TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - Hội Điện ảnh Việt Nam
numo.vn thiết kế website số một việt nam

7 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT ĐỂ VIẾT CẤU TRÚC CÂU CHUYỆN

Cấu trúc câu chuyện là khung cấu trúc của một bộ phim, có thể theo tuyến tính hoặc phi-tuyến tính. Cấu trúc câu chuyện bao gồm hai phần: Nội dung của câu chuyện và hình thức được sử dụng để kể câu chuyện đó. Hai phần của cấu trúc câu chuyện này thường được gọi là câu chuyện và cốt truyện.



Bạn có thể hiểu các thành phần và chức năng của cấu trúc câu chuyện theo công thức dễ nhớ sau: Câu chuyện (Hành động) + Cốt truyện = Cấu trúc câu chuyện.

Cấu trúc câu chuyện là một bản đồ bạn vẽ ra cho người xem, giúp họ có thể hiểu được câu chuyện. Sau đây là 7 điều bạn cần để viết một cấu trúc truyện tốt:

1. Mục đích
Bạn cần biết tóm lại là bạn đang đi đâu với một câu chuyện. Bằng cách quyết định Hình Ảnh Cuối Cùng là gì, câu chuyện kết thúc như thế nào, bạn đang dẫn khán giả đi đâu.

Để có thể đưa ra bất kỳ ý nghĩa nào trong bản đồ, bạn cần có điểm đến.
- Điều gì xảy ra ở kết phim?
- Người anh hùng có đạt được phần thưởng của mình hay không?
- Thế giới của bạn có được chữa lành?
- Thế giới của bạn có đổ vỡ vì một thảm hoạ đang đến?

2. Nơi bắt đầu
Trong khi Mục Đích của câu chuyện là điểm đến, Điểm Bắt Đầu (Starting Point) là nơi hành trình trong phim bắt đầu.

Tại Điểm Bắt Đầu, mở đầu phim phải thể hiện được hiện trạng trong thế giới của câu chuyện trước khi Hành Động (Action) làm cho tất cả các thứ trong thế giới này phải chuyển động.

Một Điểm Bắt Đầu và một Mục Đích là hai trong số các yếu tố chính của bất kỳ hành trình nào. Phần còn lại là những gì xảy ra giữa hai cột mốc này.

3. Hành động chính
Mọi câu chuyện hay đều cần có một Hành Động (Action) làm cho tất cả mọi thứ trong câu chuyện phải chuyển động. Sự kiện lớn này thường trùng khớp với hoặc tiếp sau sự kiện khởi đầu (inciting incident). Sự kiện này giới thiệu xung đột chính trong câu chuyện.

Bằng cách thiết lập Hành Động Chính (Main Action) xảy ra ngay từ phần đầu của câu chuyện, bạn đã đảm bảo được câu chuyện sẽ chuyển động theo con đường đi đến Mục Đích.

Bạn không thể ở Điểm Bắt Đầu mãi. Hãy chọn một Hành Động Chính (và một xung đột chính) mà có thể dẫn đến Mục Đích cuối cùng.

4. Thiết lập nhân quả
Cấu trúc câu chuyện được ”thả neo” bằng Hành Động Chính (Main Action). Để cấu trúc câu chuyện chặt chẽ, bạn cần tạo nên nhiều sự kiện gây ra bởi Hành Động Chính, dẫn đến điểm cuối là Mục Đích cuối cùng.
Thiết lập một mối quan hệ nhân quả (cause-and-effect) từ Hành Động Chính có nghĩa là nối Sự Kiện A với Sự Kiện B, và rồi Sự Kiện B với Sự Kiện C, vv…, cho tới kết quả cuối cùng là Mục Đích của bạn.
Nếu bạn không tạo ra hiệu ứng dây chuyền này, cấu trúc câu chuyện có thể bị thiếu nguyên nhân – kết quả, mất phương hướng.

5. Đẩy cốt truyện lên
Luôn đảm bảo các cảnh trong kịch bản không vô ích. Đôi khi, một số nhà biên kịch bị lún sâu vào những đoạn hội thoại hoặc hành động của nhân vật không liên quan gì đến câu chuyện. Do vậy, các cảnh phim họ viết không tạo ra thêm giá trị.

Đây là dấu hiệu của cấu trúc kém. Bạn cần bỏ ngay các cảnh không cần thiết, đảm bảo mỗi cảnh trong phim đều phục vụ ý định cho Mục Đích cuối cùng của câu chuyện.

6. Gia tăng kịch tính
Trong phim, mỗi cảnh phải có yếu tố nào đó thay đổi. Bất kể là hiện trạng trong phim thay đổi từ tích cực sang tiêu cực hay ngược lại, bạn cần gia tăng sự kịch tính với mỗi cảnh mới trong kịch bản.

Một trong số cốt truyện phụ đã được giải quyết? Hãy giới thiệu một cốt truyện phụ mới. Thấy một xung đột bị rơi vào tình trạng đình trệ? Hãy thay đổi yếu tố nào đó trong câu chuyện.

Kịch bản phải luôn luôn chuyển động. Các cảnh khởi đầu tích cực nên có kết thúc tiêu cực hơn. Các cảnh khởi đầu tiêu cực nên có kết thúc tích cực hơn. Bạn sẽ có thể làm cho câu chuyện luôn hấp dẫn người xem.

7. Khuyến khích kết thúc bỏ lửng
Bạn nên vận dụng kết thúc bỏ lửng (cliffhanger). Yếu tố này có thể được sử dụng sau khi các mâu thuẫn trong câu chuyện đã được “giải quyết” hoặc làm điểm kết của một hồi trong phim mà cần một chút yếu tố gây sốc.

Đây là cách hữu dụng để tác động vào cảm xúc của người xem, làm cho người xem muốn theo dõi phần tiếp theo của câu chuyện.

(Nguồn: Thescriptlab)
 
0936157939 (HN) 0908310521 (TPHCM)