Đối với diễn xuất cũng vậy, bạn cũng cần có chỉ dẫn, nhất là khi bạn tiếp cận và làm việc với kịch bản. Nhiệm vụ chính của diễn viên là phân tích kịch bản để hiểu rõ về nhân vật rồi từ đó vào vai nhân vật đó một cách chính xác nhất cho dù là trên sân khấu hay trước ống kính.
1. Lần đọc đầu tiên
Phân tích kịch bản là một quá trình, bắt đầu từ các phần cơ bản rồi sau đó mới dần dần thêm chi tiết. Vào lần đọc đầu tiên, bạn cần hiểu được các tình huống và sự kiện về nghĩa đen sẽ ảnh hưởng đến nhân vật trong từng mốc của câu chuyện. Trong kịch bản, các dữ kiện này bao gồm những hoàn cảnh được đặt ra. Chúng sẽ giúp bạn xác định được các hành động trong diễn xuất của bạn.
Khi đọc kịch bản, hãy lập một danh sách liệt kê tất cả các dữ kiện có thật về nhân vật. Bất kì điều gì bạn có thể đào bới từ kịch bản đều hữu ích. Nhân vật làm nghề gì? Sống ở đâu? Ai là người thân thiết nhất với nhân vật này?...
2. Bóc tách thành các cảnh và các nhịp
Sau khi bạn đã cảm nhận được về nhân vật, hãy bóc tách câu chuyện thành các cảnh (scene) và các nhịp (beat). Những kịch bản hay được viết theo chuỗi sự kiện có liên quan đến nhau, trong đó A dẫn đến B và B dẫn đến C… Thực hành lập sơ đồ các cảnh trong câu chuyện giúp diễn viên hiểu được câu chuyện một cách có trình tự và cung cấp cho diễn viên những cột mốc trong câu chuyện để thay đổi hành động.
Tìm những điểm trong kịch bản có bối cảnh hoặc các nhân vật hoặc thời gian thay đổi. Những thay đổi về nhịp là những thay đổi nhỏ hơn bên trong các cảnh, khi nhân vật có thể thay đổi hành động, thái độ, hoặc chủ đề hội thoại.
3. Xác định các hành động của nhân vật
Bạn hãy tự hỏi bản thân: “Nhân vật của tôi muốn những người khác làm gì trong cảnh này?” Câu trả lời là mục tiêu của nhân vật của bạn. Bạn sẽ đạt được mục tiêu của bạn bằng cách nào? Điều này quan trọng vì trả lời câu hỏi sẽ cho bạn một hoạt động để diễn xuất trong từng cảnh.
Thông thường, các nhân vật muốn các nhân vật khác làm điều gì đó, cảm thấy điều gì đó, hoặc hiểu gì đó. Ví dụ, nhân vật của bạn muốn ai đó đi lấy thư. Bạn sẽ làm gì để khiến người đó đi lấy thư cho bạn? Lôi cuốn người này? Tán gẫu với người này? Quát người này? Hành động đúng là hành động đúng với nhân vật của bạn và giúp bạn bắt đầu xác định được kiểu nhân vật của bạn.
4. Giữ thái độ cởi mở để có thể ghi chú và thay đổi
Diễn xuất là hoạt động hợp tác và các diễn viên phải cân nhắc ý kiến của đạo diễn. Hãy lắng nghe đạo diễn nói gì và kết hợp ý kiến của đạo diễn với nhân vật, dựa trên những phân tích kịch bản của chính bạn. Đôi khi phân tích ban đầu của bạn có thể không đúng và bạn sẽ phải điều chỉnh xuyên suốt quá trình tập dượt. Nhưng, với một nền tảng vững dành cho nhân vật, được xây dựng dựa trên phân tích kịch bản kĩ càng, bạn sẽ chỉ cần có những thay đổi nhỏ và diễn xuất của bạn sẽ tự nhiên.
(Nguồn: Nyfa)