TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

ĐÃ CÓ PHẢN-ANH HÙNG THÌ CÓ PHẢN – PHẢN DIỆN GÌ?

Nội dung chính

Có thể là bạn đã từng nghe đến nhân vật phản-anh hùng (anti-hero), một nhân vật chính diện không có các phẩm chất anh hùng phổ biến như đạo đức và lòng dũng cảm. Nhưng còn nhân vật phản–phản diện (anti-villain) là nhân vật như thế nào?

Anti-villain là nhân vật có các đặc điểm tính cách hoặc mục đích anh hùng nhưng thực ra lại là kẻ xấu trong câu chuyện. Ví dụ: Một nhân vật phản-phản diện có thể có các mục đích cao thượng nhưng cách nhân vật này đạt được mục đích đó lại xấu xa.

Tương tự như nhân vật phản-anh hùng thường được tạo ra để làm cho nhân vật phức tạp và có những vùng xám đạo đức, nhân vật phản-phản diện khiến cho khán giả phải đặt câu hỏi ai mới thực sự là người đúng.

Ví dụ: The Borg trong Star Trek, Tywin Lannister trong Game of Thrones, Thanos trong Marvel Cinematic Universe, Hector Barbossa trong Pirates of the Caribbean.

Nhân vật phản diện có thể chỉ là kẻ xấu còn nhân vật phản-phản diện trên lý thuyết có thể là nhân vật anh hùng (phản-anh hùng) trong câu chuyện nếu câu chuyện này được kể từ một điểm nhìn khác. Loại phản diện này có thể thực sự tin rằng họ là anh hùng trong câu chuyện của họ vì điều đang cố gắng đạt được là tốt.

1. Nhân vật phản-phản diện cao thượng (noble anti-villain)

Nhân vật phản diện thường có liên quan đến sự ích kỷ, hành động vì mục đích cá nhân và sẽ lén làm hại người khác. Nhưng có những nhân vật phản diện lại đi theo một quy luật đạo đức.

Ví dụ như Mr. White cảm thấy kinh tởm vì sự tàn bạo của Mr. Blonde trong phim Reservoir Dogs hoặc Captain Freedom trung thành với các đạo lý của đấu sĩ trong phim The Running Man. Trong phim In Bruges, Harry là một tên trùm tội phạm tàn bạo nhưng hắn lại tin vào một đạo lý đó là bất kỳ kẻ nào giết hại trẻ con cần phải bị trừng phạt. Harry là nhân vật phản diện. Hắn có một đạo lý đạo đức. Khi hắn phá bỏ đạo lý của hắn, hắn phải trả giá. Harry điên loạn nhưng trong sự điên loạn của hắn lại có sự cao thượng.

2. Nhân vật kẻ cực đoan có ý tốt (the well intentioned extremist)

Đây là nhân vật phản diện có mục đích tốt, muốn mang đến điều tươi đẹp cho thế giới nhưng cách để đạt được mục đích thì lại chưa chắc được mọi người ủng hộ. 

Đây là một mẫu nhân vật phổ biến trong các phim siêu anh hùng gần đây. Thanos trong Avenger: Infinity War và Endgame muốn mang hoà bình và sự cân bằng cho vũ trụ bằng cách xoá đi một nửa sự sống trên thế giới. Killmonger trong Black Panther muốn trả thù những kẻ đã áp bức và bắt tổ tiên của hắn làm nô lệ. Killmonger có quyền được giận dữ, nhưng mục đích của hắn lại là giết hại hàng triệu mạng sống.

Magneto trong series phim X-Men căm phẫn thế giới vì đã bị áp bức khi còn là một cậu bé người Do Thái thời Phát Xít Đức. Ở một góc nhìn khác, kẻ cực đoan có ý tốt có thể là một anh hùng. Tuy nhiên, sự giận dữ, áp bức khiến họ mù quáng. 

Tham khảo:

3. Nhân vật phản – phản diện đáng thương hại (the pitiable anti-villain)

Một số nhân vật phản diện đáng ra có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng họ lại trở nên xấu xa do bi kịch xảy ra trong quá khứ. Câu chuyện sườn (backstory) của nhân vật phản diện đáng thương hại khiến khán giả vừa cảm thấy thương vừa cảm thấy căm phẫn họ. 

Ví dụ: Oswald Cobblepot (Penguin) trong Batman Returns là ví dụ điển hình. Từ khi sinh ra, Penguin đã bị dị tất nên bố mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ. Andrew trong phim Chronicle thường xuyên bị bắt nạt trong trường và có một người bố bạo hành ở nhà. Trong phim Toy Story 3, nhân vật phản diện Lotso đang vận hành một nhà tù đồ chơi ở Sunnyside. Trong quá khứ, Lotso đã bị bỏ rơi bởi đứa trẻ của hắn và bị thay thể bằng một con gấu bông Lotso khác. Khán giả cảm thấy câu chuyện của Lotso rất buồn khi nhớ đến những món đồ chơi đã bị bỏ rơi hoặc lãng quên. Những món đồ chơi của con người cũng có cảm xúc và có thể cảm thấy bị phản bội nếu con người bỏ rơi chúng ở đâu đó. 

Quá khứ đáng buồn này không thể biện minh cho hành động của Lotso nhưng người xem cảm thấy như hiểu được hơn về Lotso thông qua câu chuyện sườn. Nếu như Lotso được yêu thương và được trả lại cho đứa trẻ của Lotso, có khả năng là Lotso sẽ không trở thành tên độc tài ở Sunnyside. Đây là mục đích sử dụng nhân vật phản – phản diện. Khán giả biết được rằng nếu quá khứ của họ khác đi, người này có thể lại trở thành một người tốt hoặc thậm chí là một anh hùng. Đây là bi kịch khủng khiếp nhất. 

4. Nhân vật phản diện chỉ trên danh nghĩa (the villain in name only)

Nhân vật chính diện cần ai đó hoặc thứ gì đó để đấu tranh. Trong nhiều trường hợp, nhân vật phản diện không phải vốn dĩ xấu xa. Họ có một hệ thống niềm tin khác với nhân vật anh hùng, khiến cho hai bên mâu thuẫn với nhau. Để tạo ra nhân vật phản diện chỉ trên danh nghĩa thành công, bạn cần phải kể được câu chuyện từ điểm nhìn của nhân vật này, với các mục đích và phương thức hành động của nhân vật đó. 

Ví dụ: Javert trong Les Misérables là nhân vật phản diện chỉ trên danh nghĩa vì Jean Valjean đã phá bỏ điều kiện được mãn tù. Javert quá tận tuỵ với công việc của mình và hăng say săn tìm Jean Valjean. Về lý thì Javert đúng. Trong một câu chuyện khác, khán giả sẽ ủng hộ Javert nhưng đây lại là câu chuyện của Jean Valjean.

Trong phim La La Land, nhân vật phản diện không thực sự xấu xa là Keith. Anh ta là một người tốt, thậm chí đã cho Sebastian việc làm. Nhưng mâu thuẫn giữa Keith và Sebastian xảy ra khi họ có quan điểm đối lập về nhạc jazz. Keith muốn Sebastian theo đuổi một loại âm nhạc khác với ước mơ của Sebastian. Keith không phải là người xấu mà chỉ có triết lý khác với nhân vật chính. Đây là ví dụ điển hình về việc nhân vật phản diện không nhất thiết phải là kẻ xấu xa. Nếu khán giả theo dõi câu chuyện từ điểm nhìn của Keith, khán giả sẽ thấy Sebastian là nhân vật phản diện vì anh ta đối lập với Keith. 

Việc phát triển và chọn loại nhân vật phản – phản diện phụ thuộc vào kiểu câu chuyện bạn muốn kể. Một số nhân vật phản – diện là kẻ lạc lối. Một số nhân vật khác thì hoang tưởng hoặc hoàn toàn đúng về triết lý của họ nhưng lại bị lạc lối trên con đường của họ. Nhân vật phản diện chỉ xấu xa vì mục đích xấu xa thường không phải là nhân vật thú vị. Các nhân vật như vậy chỉ vuốt râu và ngáng đường nhân vật anh hùng. Một nhân vật phản – phản diện sẽ khiến nhân vật anh hùng chất vấn động cơ của mình, đặc biệt là khi mục đích của hai nhân vật có liên quan đến nhau một cách độc đáo.

Ví dụ: Trong phim Black Panther, khi T’Challa không biết được anh ta cần làm gì khi trở thành vua của Wakanda. T’Challa được đề xuất nhiều ý tưởng từ những người thân cận. Nhân vật phản – phản diện Killmonger đã đưa ra một đề xuất hợp lý là cung cấp công nghệ của Wakandan để người Da Đen ở trên khắp thế giới có vũ khí đấu tranh với những kẻ áp bức. Killmonger không đạt được mục tiêu của mình nhưng T’Challa đã cân nhắc điểm nhìn của Killmonger. T’Challa nhận ra rằng Wakanda không thể tiếp tục theo các chính sách biệt lập mà cần cởi mở với thế giới. Tuy nhiên, T’Challa đã chọn thiết lập các trung tâm cứu trợ để cung cấp tài nguyên cho con người phát triển thay vì cung cấp vũ khí. 

Tham khảo:

Bài viết liên quan

11 LỖI RẬP KHUÔN BẠN CẦN TRÁNH KHI LÀM PHIM NGẮN

Lỗi rập khuôn (cliché) là lỗi mà các nhà làm phim thường dễ mắc phải khi bị bí ý tưởng. Nhận thức và hiểu được về các lỗi rập khuôn…

Xem ngay

8 CÁCH QUẢNG BÁ PHIM NGẮN CỦA BẠN

Làm phim ngắn là con đường để nhà làm phim có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, từ đó có…

Xem ngay

3 CÁCH CHUYỂN ĐỔI GIỮA DIỄN XUẤT SÂN KHẤU VÀ PHIM

Từ giai đoạn thử vai cho đến sản phẩm cuối cùng, diễn xuất trên sân khấu và trên phim đặt ra những đòi hỏi khác nhau đối với người diễn…

Xem ngay

Leave the first comment