TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - Hội Điện ảnh Việt Nam
numo.vn thiết kế website số một việt nam

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀM PHIM KINH PHÍ THẤP?

Khi bạn lên kế hoạch một dự án phim, có rất nhiều yếu tố liên quan đến kinh phí. Nếu thực sự muốn phim của mình ra ngô ra khoai, bạn cần thực hiện một cách chuyên nghiệp ngay từ đầu và lên kế hoạch kĩ càng trước khi bắt đầu bấm máy.

Dưới đây là một số kinh nghiệm để tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho bộ phim của bạn.



1. Kiểm tra ngân quỹ
Nếu bạn vẽ ra một kế hoạch làm phim đầy tham vọng nhưng không có đủ tiền để thực hiện, bạn sẽ chỉ lãng phí thời gian của chính mình, bạn bè, người thân và thành phần đoàn. Vì vậy, thử rà soát lại ngân sách để biết bạn có thể bỏ ra bao nhiêu tiền cho phim của mình, xin được tài trợ không, quyên góp từ cộng đồng không? Tính toán phần nào trong quá trình sản xuất tốn kém nhất và bắt đầu lên kế hoạch. Ví dụ: Giai đoạn hậu kỳ, làm tiếng, chỉnh mầu trên máy tính có thể không tốn tiền hoặc tốn nhiều tiền do phải phụ thuộc vào thiết bị. Ngoài ra, diễn viên, địa điểm, tiền ăn cũng là các yếu tố có thể gây tốn kém.

2. Biết bạn muốn làm kiểu phim như thế nào
Bộ phim của bạn có phải là phim có nhiều cảnh hành động cần các kỹ xảo đặc biệt? Phim của bạn là phim kinh dị cần nhiều hóa trang, phục trang, hiệu ứng? Quyết định làm về thể loại và đặc điểm của phim sẽ giúp bạn có thể tiếp cận cách quay phim sản phẩm ngay từ đầu.

3. Lên kế hoạch trước và có kịch bản
Việc bạn không có nhiều kinh phí làm phim không có nghĩa là bạn không thể lên kế hoạch trước. Một kịch bản hay với diễn biến nội tâm nhân vật rõ ràng và cốt truyện mạch lạc sẽ có thể giúp quá trình quay phim dễ dàng hơn nhiều.

4. Lên lịch quay chi tiết để có nhiều thời gian chuẩn bị
Bạn cần lên kinh phí làm phim sớm để có đủ thời gian tiền kỳ. Hãy tính xem bạn cần bao nhiêu tiền, chia cho số ngày bạn có để quay phim, và thiết lập một ngân quỹ làm phim chặt chẽ mà bạn không được vượt quá. Suy nghĩ đúng thực tế về những gì bạn có thể đạt được với ngân quỹ này. Ngoài ra, bạn cần dành một khoản tiền trong đó để đề phòng các sự cố bất ngờ xảy ra.

5. Tìm mọi cách để xoay xở
Sử dụng các đạo cụ và phục trang mà bạn có sẵn, mượn của bạn bè và người thân, hoặc thương lượng để thuê rẻ các món đồ này, hay tìm cộng đồng làm phim có thể giúp bạn tiếp cận trang thiết bị với giá thấp hơn. Bạn có thể tìm phương án sáng tạo đối với trang điểm, phục trang và ánh sáng. Đừng ngại thử nghiệm phong cách quay hoặc góc quay trong phim của bạn. Đừng nên bám theo những “quy tắc”, “tiêu chuẩn” cứng nhắc.

6. Cân nhắc trong việc thuê thành viên đoàn và diễn viên
Tìm được một người am hiểu công việc và đã chứng minh được năng lực thông qua kinh nghiệm làm việc sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và giải quyết được những vấn đề đau đầu như vượt ngân sách, quay quá thời gian. Ngay cả với một kịch bản khiêm tốn, bạn vẫn có thể tìm ai đó phù hợp để giúp bạn. Người này có thể là một người chuyên nghiệp nhưng sẵn sàng tham gia vào những dự án nhỏ, chắc chắn sẽ đem lại nhiều giá trị cho số tiền bạn bỏ ra. Bạn cũng có thể tìm bạn bè và người thân nếu họ có thời gian. Ngoài ra, bạn còn có thể tiết kiệm được kinh phí làm phim nếu người giúp bạn có sẵn thiết bị.

7. Chọn các địa điểm đơn giản
Một bộ phim có thể trông rất rẻ tiền nếu tất cả mọi hành động đều chỉ diễn ra trong một căn phòng hoặc một địa điểm, trừ phi kịch bản cực hấp dẫn và tài đạo diễn xuất bạn xuất chúng. Hãy thử tận dụng những địa điểm thú vị mà bạn có thể quay phim tại đó miễn phí hoặc với chi phí rất thấp, ví dụ như nhà và vườn của bạn, một quán bar cũ, một ngôi nhà của người thân, tất nhiên chỉ khi đã xin phép.

8. Thiết bị tốt nhất là thiết bị phù hợp nhất
Thay vì đầu tư mua thiết bị âm thanh và ánh sáng, hãy thử mượn thiết bị từ bạn bè và người thân. Dùng các mối quan hệ để có thể thuê được với giá rẻ. Nên đầu tư nhiều vào cách kể chuyện, chỉ đạo diễn viên, dàn cảnh. Cố gắng ít bị phụ thuộc vào thiết bị máy móc.

9. Đừng quên âm thanh
Bạn cần đảm bảo chất lượng thu thanh để không cần hậu kỳ quá nhiều sau đó. Lời thoại rất quan trọng trong phim, bạn nên đầu tư để có thể thu thanh với chất lượng tốt vì trong nhiều trường hợp, bạn không thể quay lại hiện trường để thu thanh sau khi đã đóng máy.

(Nguồn: Raindance)


 
0936157939 (HN) 0908310521 (TPHCM)