Từ “montage” có nguồn gốc từ tiếng Pháp, là một thuật ngữ mô tả sự liên kết các thành phần riêng lẻ (phim, âm nhạc hoặc hình ảnh) thành một tổng thể đi liền với nhau. Lý thuyết montage Liên Xô tập trung vào các kỹ thuật dựng một bộ phim, thay vì chỉ tập trung vào nội dung. Tiền đề chính của lý thuyết này là các trường đoạn khác nhau, được dựng cạnh nhau, có thể biểu đạt được một ý tưởng phức tạp mới và riêng rẽ.
Trường Điện ảnh Moscow (VGIK) được thành lập năm 1919 trong giai đoạn Cách mạng Nga. Sau cách mạng, những người làm điện ảnh tập trung vào nghiên cứu phim do phim dùng để quay rất khan hiếm. Một trong những giáo sư hàng đầu của trường là Lev Kuleshov. Năm 1920, ông đã bắt đầu thử nghiệm các cách dựng phim mới. Kuleshov cùng với các học trò của ông đã khám phá quá trình dựng phim, phát triển một lý thuyết phim gọi là hiệu ứng Kuleshov, giả thuyết rằng có thể tạo ra được nhiều ý nghĩa hơn từ hai cú máy đặt cạnh nhau, thay vì chỉ một cú máy đơn lẻ.
Kỹ thuật montage của Kuleshov đã có tầm ảnh hưởng lên rất nhiều nhà làm phim Liên Xô nổi tiếng cùng thời, bao gồm Sergei Eisenstein, Dziga Vertov và Vsevolod Pudovkin. Là một học trò của Kuleshov, Sergei Eisenstein mở rộng các ý tưởng của Kuleshov thành lý thuyết montage Liên Xô được biết đến rộng rãi ngày nay. Các bộ phim của ông cũng là những bộ phim đầu tiên được quốc tế biết đến. Lý thuyết ông đặt ra đã thay đổi kỹ thuật dựng phim và có ảnh hưởng đến các phong trào Làn sóng mới tại Pháp và Hollywood.
Phong trào montage Liên Xô chính thức kết thúc sau khi lãnh tụ Lenin qua đời và lãnh tụ Joseph Stalin lên nắm quyền. Khán giả không còn say mê thông điệp cách mạng của các bộ phim montage như trước nữa. Chính quyền Liên Xô đã đòi hỏi các nhà làm phim phải chuyển đổi từ tập trung vào montage sang chủ nghĩa Hiện thực Liên Xô. Mặc dù vậy, phong trào montage Liên Xô vẫn kéo dài cho đến thập niên 50. Các kỹ thuật dựng phim từ phong trào này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
1. Montage trí tuệ (intellectual)
Ý tưởng của Kuleshov là kết hợp một cú máy đơn và lấy khuôn hình diễn viên nổi tiếng Ivan Mosjoukine ở trung tâm với ba cú máy riêng biệt khác: Cú máy đầu tiên là một bát súp, cú máy thứ hai là một cô gái nằm trong quan tài, và cú máy thứ ba là một người phụ nữ nằm trên xô fa. Mục đích của phương pháp này là để tạo ra một sự kết hợp giữa những cú máy gợi nên những điều khác nhau. Ví dụ như cái đói (bát súp), nỗi buồn (quan tài) và ham muốn (người phụ nữ). Kuleshov được coi là người đã tiên phong trong khơi gợi cảm xúc thông qua các hình ảnh tương phản. Do đó, kỹ thuật này được gọi là hiệu ứng Kuleshov. Hiệu ứng Kuleshov vẫn được ứng dụng rộng rãi trong điện ảnh ngày nay. Kỹ thuật cho phép nhà làm phim giao tiếp với khán giả chỉ cần thông qua dựng phim.
Bạn có thể xem montage của Kuleshov tại đây:
https://www.youtube.com/watch?time_continue=1...
2. Montage chuẩn tính (metric)
Sau khi Kuleshov tạo ra montage trí tuệ, các loại montage khác bắt đầu xuất hiện. Một trong số đó là montage chuẩn tính. Trong loại montage này, một bộ phim được cắt theo từng khung hình (frame). Loại montage này lấy cảm hứng từ lý thuyết nhịp nhạc. Kỹ thuật này được sử dụng để tạo ra một nhịp độ hình ảnh trong một cảnh phim bằng cách cắt sang cú máy tiếp theo sau một số lượng khuôn hình nhất định, không phụ thuộc vào nội dung diễn ra.
Bạn có thể xem ví dụ montage chuẩn tính tại đây:
https://www.youtube.com/watch?v=BfWzqKy1sFg&t=1s
3. Montage nhịp tính (Rhythmic)
Nếu montage chuẩn tính được dùng để thiết lập nhịp độ hình ảnh, montage nhịp tính được dùng để giữ nhịp thông qua cả hai giác quan là thị giác và thính giác. Các cú máy được dựng theo nhịp của âm nhạc, tạo ra tính liên tục bao trùm.
Ví dụ: Montage trong phim Whiplash
https://www.youtube.com/watch?v=ZZY-Ytrw2co
4. Montage sắc thái (Tonal)
Montage sắc thái sử dụng hai hoặc nhiều hơn hai cú máy bổ trợ cho nhau và xây dựng nên một chủ đề. Hiệu ứng montage sắc thái tạo ra tương đối đối lập với montage trí tuệ. Như tên gọi, montage sắc thái giúp thiết lập sắc thái (tone) của một cảnh thông qua dựng các cú máy có cùng mục đích về chủ đề với nhau.
Ví dụ: Montage trong phim Parasite tạo nên một cảnh đan xen những chủ đề của phim là sự bất bình đẳng, lừa dối và thâm nhập.
https://www.youtube.com/watch?v=ma1rD2OP85c&t=39s
5. Montage kết hợp bốn loại montage trên (Overtonal)
Đây là loại montage pha trộn của cả 4 loại montage trên: Trí tuệ, chuẩn tính, nhịp tính và sắc thái. Ví dụ nổi tiếng nhất có lẽ là cảnh Cầu thang Odessa trong phim Chiến hạm Potemkin. Một trong những hình ảnh ám ảnh nhất là đứa bé trong nôi bị rơi xuống cầu thang. Đây là ví dụ về montage trí tuệ, sử dụng những cảnh tượng bi kịch để khơi gợi phản ứng cảm xúc của người xem.
Bạn có thể xem cảnh phim nổi tiếng trên tại đây:
https://www.youtube.com/watch?v=g5WbeoP_B8E
Cảnh phim trên là ví dụ về tầm ảnh hưởng của lý thuyết montage Xô Viết với điện ảnh thế giới. Cảnh phim này về sau đã được tái hiện trong một phiên bản khác bởi đạo diễn Brian De Palma với phim tội phạm Mỹ The Untouchables.
Nhìn chung, bốn đặc điểm của montage là:
Thiết lập nhịp độ
Giữ nhịp
Khơi gợi phản ứng cảm xúc
Phóng đại phản ứng cảm xúc thông qua các hình ảnh bổ trợ và tương phản
Nhà làm phim Liên Xô Sergei Eisenstein, từng là học trò của Lev Kuleshov, được coi là người đã viết ra lý thuyết montage Liên Xô với năm bước đã được giới thiệu ở trên. Cả hai người đều sử dụng năm bước lý thuyết montage này trong sự nghiệp của họ và trở thành những nhà làm phim kỹ thuật có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
(Nguồn: Tổng hợp)