TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - Hội Điện ảnh Việt Nam
numo.vn thiết kế website số một việt nam

MẤT BAO LÂU ĐỂ HOÀN THÀNH MỘT BỘ PHIM?

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất một bộ phim. Để thực sự hiểu được về nó, ta phải đào sâu tìm hiểu tất cả các bước liên quan. Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói đến phim điện ảnh tại Hollywood, không tính phim truyền hình, miniseries, phim ngắn…



1. Các khung thời gian

 
Trước hết ta sẽ phải tìm hiểu về các khung thời gian trong quá trình hoạt động của một dự án phim và các bước cần tiến hành trong đó. Thường thì quá trình hoàn thành một bộ phim sẽ được chia thành 3 giai đoạn chính:
 
- Giai đoạn tiền kỳ ( khoảng 3-7 tháng)
- Giai đoạn sản xuất (khoảng 3 tháng)
- Giai đoạn hậu kỳ (khoảng 7 tháng - 1 năm)
 
Tuy nhiên, một vài bước đã phải được hoàn tất trước khi bắt đầu giai đoạn tiền kỳ.
 
2. Tài chính, câu chuyện và kịch bản
 
Để bắt đầu một dự án phim, bạn sẽ cần có một câu chuyện để kể, một kịch bản dựa trên câu chuyện đó và tiền để vận hành mọi thứ. Công việc của nhà sản xuất sẽ liên quan từ lúc dự án bắt đầu cho đến khi nó kết thúc. Họ sẽ tìm kiếm những câu chuyện có tiềm năng phát triển và thuê người để hoàn thiện nó hoặc giao cho một nhà biên kịch để viết một kịch bản mới hoàn toàn cho dự án. Sau đó, nhà sản xuất sẽ mang kịch bản đã được hoàn thành đi tìm nguồn tài trợ.
 
Những công việc trên có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm tùy thuộc vào tính chất của dự án. Ví dụ, Sylvester Stallone chỉ mất 3 ngày để tạo nên kịch bản phim đầu tay của ông “Rocky”, trong khi Quentin Tarantino mất 5 năm để phát triển câu chuyện của phim “Kill Bill”.
 
Ngày công bố
 
Thuật ngữ “Ngày công bố” là để chỉ ngày mà bộ phim được thông báo chính thức tới công chúng. Nó có thể là ngày mà kịch bản được duyệt để bắt đầu lên dự án hoặc ngày mà bộ phim sẽ được bấm máy.
 
Vì sao các Studio lại công bố các bộ phim từ rất sớm như vậy?
 
Các studio thường công bố các bộ phim mà họ thực hiện trước khi chúng được ra mắt hàng năm trời. Điều này cũng có lý do cả.
 
- Giúp họ nắm được ngày ra mắt thuận lợi hơn trên lịch chiếu phim trong tương lai.
- Không có sự trùng lặp với những chủ đề hoặc thể loại tương tự.
- Các bộ phim dựa trên những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích hoặc những sự kiện có thật luôn được công bố từ trước vì chúng thuộc sở hữu chung của mọi người. Vì vậy, các studio muốn công chúng sẽ được biết những gì sẽ được đưa lên màn ảnh rộng.
- Công bố phim sớm giúp ích nhiều cho việc quảng cáo - truyền thông. Những hình ảnh từ phim trường được đăng trên Instagram, Facebook hoặc Youtube sẽ khiến cho khán giả hào hứng chờ đợi.



3. Giai đoạn tiền kỳ

 
Giai đoạn tiền kỳ là giai đoạn mà mọi công tác chuẩn bị phải được hoàn thành sau khi một dự án đã được duyệt cho đến trước khi bấm máy. Thời gian của giai đoạn này sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa các dự án.
 
Giai đoạn tiền kỳ quyết định sự thành bại của một bộ phim. Đầu tiên, nhà sản xuất, đạo diễn sẽ tuyển dụng tổ trưởng của các tổ trong đoàn phim và nắm được lúc nào thì bộ phim sẽ được bấm máy. Tiếp theo là casting diễn viên phù hợp. Trong nhiều trường hợp, người phụ trách sẽ quyết định ngày ra mắt bộ phim dựa theo tiến trình của giai đoạn tiền kỳ và chỉ đạo nhóm làm truyền thông để lên những kế hoạch cho việc quảng bá bộ phim.
 
Đây là danh sách những việc cần chuẩn bị trong giai đoạn này:
 
- Kịch bản đã được phát triển, hoàn thiện và cấp vốn cho dự án.
- Đội ngũ sản xuất đã được tổ chức xong.
- Kinh phí và lịch sản xuất đã được chốt.
- Đã tuyển dụng được hết các trưởng bộ phận. Họ sẽ bắt đầu lên kế hoạch và lịch của các tổ mà mình phụ trách.
- Các bối cảnh đã được ấn định, hợp đồng thuê và giấy phép cho ghi hình tại bối cảnh đã được ký.
- Các bộ phận đã tuyển dụng được đầy đủ các thành viên; đoàn phim đã tìm được các diễn viên phù hợp cho mỗi vai diễn.
- Diễn viên đã luyện tập chuẩn bị cho vai diễn và giai đoạn sản xuất được tiến hành.
 
Có vô số công việc cần phải chuẩn bị trước khi bộ phim được bấm máy. Giai đoạn này, như đã nói trong bài trước, sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 3 - 7 tháng nhưng nó có thể kéo dài hơn rất nhiều.
 
“Địa ngục sản xuất” là gì?
 
Giai đoạn tiền kỳ có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc thậm chí trong nhiều thập kỉ. Do đó, nhiều dự án - thường là dự án của cá nhân hoặc dự án khởi động lại của các loạt phim nổi tiếng - sẽ bước vào một tình trạng mà ta hay gọi là “Địa ngục sản xuất”. Các dự án này bị mắc kẹt ở giai đoạn tiền kỳ trong nhiều năm liền vì những lý do như sau:
 
- Sau khi sở hữu bản quyền của một kịch bản, nhà sản xuất thường phải tiến hành sửa chữa nó, tuyển lại diễn viên thay đổi các thành viên trong đoàn làm phim trước đó.
- Vấn đề nảy sinh trong việc thỏa thuận giữa các bên và vướng mắc trong hợp đồng.
- Các nhà biên kịch, thành viên trong đoàn hoặc diễn viên có thể đình công.
- Các vấn đề về kinh phí sản xuất như không thể huy động đủ kinh phí làm phim, hết tiền giữa chừng, bị rút lại ngân sách hoặc dự án bị chuyển giao giữa các studio.
- Diễn viên hoặc một thành viên quan trọng trong tổ sản xuất chẳng may qua đời.
 
“Địa ngục sản xuất” không chỉ giới hạn trong giai đoạn tiền kỳ mà cả các giai đoạn khác nữa. Nhiều dự án cũng có thể gặp khó khăn khi bộ phim đang ghi hình hoặc sau khi hoàn thành bấm máy.



4. Giai đoạn hậu kỳ

 
Giai đoạn hậu kỳ bao gồm tất cả các hoạt động sau khi việc ghi hình kết thúc, bao gồm việc dựng phim, chỉnh màu, âm nhạc, làm tiếng động, hòa âm, điều chỉnh thoại và làm kỹ xảo.
 
- Làm tiếng động (Foley): Là công việc mô phỏng các tiếng động như tiếng bước chân, tiếng cửa kẽo kẹt… để nâng cao chất lượng âm thanh cho bộ phim. Người làm âm thanh tốt sẽ khiến cho khán giả không nhận ra được công việc mà anh ta làm trong tác phẩm khi xem nó.
- Lồng tiếng (ADR - Automated Dialogue Replacement): Là công việc thu lại hội thoại trong phim lồng ghép vào trong nháp phim. Mục đích của nó là để sửa chữa lại các lỗi xảy ra khi thu tiếng trực tiếp hoặc, trong một vài trường hợp đặc biệt, thay đổi hội thoại trong phim.
- Kỹ xảo điện ảnh (VFX): Là công việc tạo nên các hiệu ứng hình ảnh không thể ghi hình thực tế được bằng máy quay. Đây là công việc tiêu tốn thời gian nhất trong giai đoạn này. Khi nhắc tới kỹ xảo, bạn thường tưởng tượng ra hình ảnh một con rồng phun lửa hay một thành trì trung cổ rộng lớn. Tuy nhiên, những chi tiết mà VFX làm ra trong bộ phim lại rất đa dạng. Ví dụ, khung cảnh tuyết rơi với những cơn gió lạnh tạo nên không khí cho phim cùng là sản phẩm của kỹ xảo điện ảnh.
 
Đa phần các studio sẽ thông báo trước đến công chúng ngày mà bộ phim được ra mắt, và chúng ta cũng biết rằng giai đoạn hậu kỳ trung bình sẽ kéo dài trong khoảng từ 10 -20 tuần. Nếu vậy, vì sao lại có một khoảng thời gian rất dài từ khi bộ phim kết thúc bấm máy cho đến khi nó được ra rạp?
 
Chúng ta cần tính thêm thời gian cho việc tạo trailer cho phim và các chiến dịch quảng cáo để thu hút khán giả đến xem. Các bộ phim còn phải hướng đến một vài nhóm đối tượng cụ thể do đó việc phải dựng và quay lại một vài cảnh trong phim là không thể tránh khỏi.
 
Có vô số sự cố có thể xảy ra khi làm một bộ phim, vì vậy các nhà sản xuất phải có khoảng thời gian dự trù cho những phát sinh trong quá trình hoàn thành dự án. Ngày phát hành tại rạp phải được lên kế hoạch hàng tháng trước đó và việc thay đổi lịch sẽ tốn rất nhiều tiền của. Thêm vào đó, để chọn được ngày công chiếu phù hợp cần sự kết hợp giữa các số liệu từ khán giả và ngày mà các tác phẩm cạnh tranh khác được ra mắt, do đó việc thay đổi lịch thường là do bất khả kháng, ví dụ như dịch Covid-19 thời gian qua.

 
0936157939 (HN) 0908310521 (TPHCM)