Chủ nghĩa biểu hiện Đức (German Expressionism) là một phong trào tiên phong trong lịch sử điện ảnh diễn ra vào đầu thế kỷ 20 với những dấu ấn đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến cả những nhà làm phim thời nay.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chính phủ Đức đã cấm tất cả phim nước ngoài và tạo ra nhu cầu sản xuất phim Đức. Dưới sự kiểm soát của Cộng hoà Weimar, phong trào chủ nghĩa biểu hiện Đức phát triển xuyên suốt thập kỷ 1920, tập trung chủ yếu tại những thành phố như Munich, Dresden, Berlin. Khán giả Đức khi đó đã không còn ưa chuộng các bộ phim lãng mạn và hành động mà quan tâm bàn luận các chủ đề như bạo lực, sự tàn nhẫn, phản bội.
Hoàn cảnh không may mắn này, cùng với nỗi sợ siêu lạm phát liên miên đã tạo ra một nền tảng cho những nhà làm phim đổi mới sáng tạo táo bạo như Fritz Lang và F.W. Murnau. Đến giữa thập kỷ 1930, Phát xít Đức buộc tội chủ nghĩa biểu hiện Đức là đồi bại, bắt buộc các đạo diễn Đức phải bỏ chạy khỏi nước Đức và chuyển tới Hollywood, Mỹ.
Chủ nghĩa biểu hiện Đức đưa ra một cái nhìn mang tính chủ quan về thế giới, hiển thị những lo lắng chung của nước Đức thông qua các hình ảnh bị biến dạng giống như những cơn ác mộng. Các nghệ sĩ chủ nghĩa biểu hiện không quan tâm đến việc tác phẩm của họ cần phải có thẩm mỹ dễ chịu.
Phong trào chủ nghĩa biểu hiện Đức thách thức cách làm phim thông thường lúc đó. Khác với đa số các phong trào điện ảnh, trường phái biểu hiện (expressionism) không chỉ tồn tại đơn thuần trong điện ảnh, mà xuất hiện từ trước khi điện ảnh được phát minh (thơ, sân khấu, hội hoạ, vv…).
Ví dụ như bức tranh Tiếng Thét của Edward Munch, một trong những bức tranh trường phái biểu hiện nổi tiếng nhất mọi thời đại, bạn có thể thấy rõ ràng cách ý niệm cho phép các tâm trạng được biểu hiện bởi thủ pháp bóp méo đầy sáng tạo. Thay vì vẽ lên hiện thực vật lý, phong cách vẽ tranh này thể hiện ấn tượng của một cảnh tượng.
Trong phim, tư tưởng này được ứng dụng trong mọi khía cạnh của quá trình sáng tạo, từ những thiết kế bối cảnh giống như trong mơ đến những diễn xuất trên màn ảnh đậm tính cường điệu. Vì lý do này, chủ nghĩa biểu hiện Đức trong điện ảnh cũng có những mối liên quan mật thiết với thiết kế kiến trúc. Các bộ phim như The Cabinet of Dr. Caligari và Metropolis thường được các nhà nghiên cứu coi như những ví dụ hoàn hảo về cách thiết kế bối cảnh có thể được sử dụng nhằm tạo ra một thế giới có thẩm mỹ bị kiểm soát bởi cảm xúc trong phim.
Sau đây là 5 đặc điểm cơ bản nhất của chú nghĩ biểu hiện Đức.
1. Có những điểm chung với hội hoạ trường phái biểu hiện:
Các bộ phim chủ nghĩa biểu hiện Đức có phong cách tương tự với phong trào nghệ thuật hiện đại trường phái biểu hiện trong hội hoạ. Tại Dresden, bốn nghệ sĩ trường phái biểu hiện là Fritz Bleyl, Ernst Ludwig Kirchner, Karl Schmidt-Rottluff, Erich Heckel đã thành lập một tập thể nghệ sĩ với tên gọi Die Brücke (Cây Cầu). Các nghệ sĩ trường phái biểu hiện ở Munich là Der Blaue Reiter (Kẻ Cưỡi Màu Xanh). Những nghệ sĩ này chọn sử dụng các nét vẽ đậm, các hình khối hình học, và tính chủ quan.
2. Thiết kế bối cảnh siêu thực:
Các bộ phim chủ nghĩa biểu hiện Đức thường là các bộ phim kinh phí thấp, sử dụng những kỹ thuật làm phim mới để tạo ra những dàn cảnh đặc biệt (sự sắp đặt và thẩm mỹ của những gì xuất hiện trên màn ảnh). Các nhà thiết kế bối cảnh đã vẽ những tấm phông nền công phu để tạo ra các căn phòng bị bóp méo hoặc những đường chân trời bị biến dạng. Phong cách thiết kế bối cảnh của chủ nghĩa biểu hiện Đức đã ảnh hưởng tới các bộ phim kinh dị Mỹ trong những năm thập kỷ 1930, bao gồm Dracula (1931), The Bride of Frankenstein (1935).
3. Ánh sáng chiaroscuro:
Các nhà làm phim chủ nghĩa biểu hiện Đức đã phát triển một loại chiếu sáng chiaroscuro đặc biệt, mang phong cách tương phản cao với ánh sáng và bóng tối rõ rệt. Các bộ phim như Dr. Mabuse the Gambler (1922) của Fritz Lang và Faust (1926) của F.W. Murnau đã sử dụng ánh sáng tương phản để nhấn mạnh chủ đề cái ác và sự suy đồi đạo đức. Phong cách chiếu sáng này có ảnh hưởng đến các bộ phim noir và gothic về sau của Alfred Hitchcock và Tim Burton.
4. Góc máy kịch tính:
Các bộ phim chủ nghĩa biểu hiện Đức thường có một phong cách quay phim độc đáo với các góc máy bất đối xứng, Những nhà quay phim Đức như Karl Freund đã phát triển phong cách gây khó chịu này để thể hiện sự rối loạn bên trong của các nhân vật trên màn ảnh.
5. Chủ đề về cái ác:
Sau những nỗi kinh hoàng trong chiến tranh thế giới thứ nhất và nền kinh tế sụp đổ, chủ nghĩa biểu hiện Đức khám phá những chủ đề đen tối có liên quan đến xã hội Đức đầy lo âu. Các bộ phim tập trung vào những chủ đề về cái ác như giết chóc, điên loạn, náo loạn, và nỗi sợ hãi.
(Nguồn: Tổng hợp)