TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

20 YẾU TỐ DÀN DỰNG BẠN CẦN BIẾT

Nội dung chính

Dàn cảnh / dàn dựng (mise en scène) là tất cả mọi thứ cần phải xảy ra để tạo nên bộ phim hoàn chỉnh đúng như mong muốn của bạn. Dàn dựng là các yếu tố hình ảnh của một bộ phim. Đó là những gì chúng ta thấy trên màn ảnh: Tất cả các yếu tố xuất hiện trên máy quay, cách chúng được sắp đặt, vẻ ngoài và cảm xúc chung mà chúng phối hợp để truyền đạt.

Dàn dựng / dàn cảnh là sự sắp đặt phong cảnh và các đặc tính sân khấu trong một vở kịch. Được dịch từ tiếng Pháp, mise en scène có nghĩa là “dàn cảnh sân khấu”. Tuy nhiên, trong điên ảnh, dàn dựng là tất cả các thứ trước máy quay, bao gồm thiết kế bối cảnh, ảnh sáng, diễn viên. Dàn cảnh trong phim là hiệu ứng tổng thể mà tất cả các yếu tố trong phim tạo ra cho khán giả. Đây là kỹ năng mà đạo diễn cần phải biết.

Nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, đôi khi là cùng với hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, kỹ thuật viên, cùng đồng tâm làm việc để thực hiện một bộ phim. Nói một cách đơn giản, dàn dựng bao gồm tất cả các thứ trong sản xuất phim. Đó là thiết kế tổng của bộ phim: Tất cả các thứ trong khung hình, tất cả mọi thứ người xem nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy. Các bạn có thể tham khảo Khóa học Nghiệp vụ đạo diễn để hiểu rõ và thực hành một số yếu tố trong dàn cảnh nhé. 

Trong bài viết này, bạn sẽ biết về 20 yếu tố dàn dựng: 

1. Địa điểm 

Địa điểm nói lên rất nhiều thông tin về nhân vật, mục đích, vật cản và chủ đề. Ngân quỹ làm phim thường chi phối quyết định chọn địa điểm. Trong giai đoạn bóc tách kịch bản, hãy đào sâu vào việc tính toán kinh phí làm phim. Từ đó, bạn sẽ có thể xác định được địa điểm quay phim. Xác định địa điểm quay cũng sẽ giúp bạn có những tham số ngoài đời thật để áp dụng và xác định các yếu tố dàn dựng tiếp theo.

Ví dụ: Bạn có thể nhận ra điểm khác nhau khi một cuộc hội thoại diễn ra tại các địa điểm khác nhau? Ví dụ như trong lớp học, ở Disneyland, tại một nhà thờ, trong thùng xe, vv…?

2. Màu sắc

Các nhà làm phim thường sai lầm nếu họ nghĩ rằng màu sắc chỉ là yếu tố phụ, công việc chỉ dành riêng cho hoạ sĩ thiết kế hoặc giám sát hậu kỳ. Màu sắc trong phim là một yếu tố đồ sộ, tràn ngập khắp các yếu tố hình ảnh khác. Cách sử dụng màu sắc là việc dễ thay đổi và chủ quan. Vai trò của màu sắc trong việc tạo dựng tâm trạng hoặc hiệu ứng, chức năng của nó trong nghệ thuật, cũng không thể bị thổi phồng tầm quan trọng.

Tuy nhiên, màu sắc là một công cụ chính của nhà làm phim. Bạn cần nhận thức được sức mạnh của màu sắc, một phương tiện sống còn của biểu hiện nghệ thuật. Bạn có thể tham khảo các bậc thầy điện ảnh như Stanley Kubrick hoặc Akira Kurosawa để xem cách các bảng màu được sử dụng trong điện ảnh đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ ngay lập tức như thế nào. Bạn càng hiểu biết về màu sắc thì công việc bóc tách kịch bản và dàn dựng của bạn sẽ càng thuận lợi. 

3. Bối cảnh

Từ những ngày sơ khai của hình ảnh động, dàn dựng bối cảnh đã là một yếu tố cốt yếu để tạo ra thế giới trong phim. Bối cảnh có thể đơn giản như chiếc ghế công viên trong phim Forrest Gump hoặc huy hoàng như bối cảnh kỳ ảo của phim Harry Potter.

Những bối cảnh này thiết lập thế giới trong phim và các nhân vật. Bối cảnh có thể cho người xem biết về thời gian, địa điểm, câu chuyện. Nếu trường phù thuỷ của Harry Potter lại lấy bối cảnh ở một trường học hiện đại bình thường, bộ phim sẽ trở thành một bộ phim rất khác. Do vai trò quan trọng của bối cảnh, tổ thiết kế mỹ thuật thường chiếm một phần rất lớn trong ngân sách của phim. 

4. Đạo cụ

Đạo cụ thường bị gộp với bối cảnh hoặc trang phục. Cách này có thể thực tiễn trong một số trường hợp. Tuy nhiên, đạo cụ xứng đáng được coi là một yếu tố riêng rẽ trong dàn dựng. Đạo cụ là những thứ rất nhỏ và chi tiết hoặc rất hoành tráng. Ví dụ: Con tàu trong phim Titanic hoặc đôi giày đỏ của Dorothy trong phim The Wizard of Oz.

Trong dàn dựng của bạn, các vật thể trong khuôn hình luôn tương tác với mọi yếu tố khác. Ngay cả khi nhà làm phim không nhận ra, khán giả vẫn có thể nhận ra. Ngay cả khi nhân vật không tương tác trực tiếp với đạo cụ (nâng, mặc, vấp vào, làm vỡ, vv…), nó vẫn là một phần của khuôn hình và câu chuyện. Đạo cụ có sức mạnh kể chuyện và là một phần không thể thiếu của dàn dựng trong phim. 

5. Phục trang

Phục trang là một phần quan trọng trong dàn dựng. Phục trang của các nhân vật cho người xem biết về thế giới của các nhân vật, họ là ai trong thế giới đó, họ cảm thấy như thế nào, họ nghĩ về họ như thế nào, vv… Khi bóc tách kịch bản, bạn cần nhớ làm việc với yếu tố phục trang. Phục trang nói lên về toàn cảnh bộ phim và những chi tiết trong phim. Phục trang có thể kết nối tất các phần khác trong dàn dựng.

Chúng cho người xem biết những thông tin không thể bỏ lỡ về mỗi nhân vật. Ví dụ: Trong phim Gone with Wind, phục trang cho ta biết thời gian câu chuyện diễn ra, cấu trúc xã hội, hành động, và cấu trúc cảnh. Phục trang định danh nhân vật cho người xem theo một cách không phức tạp và có thể cảm nhận ngay được. Còn trong phim The Breakfast Club, phục trang thể hiện tính cách độc đáo của mỗi nhân vật, các kiểu muôn vẻ của học sinh trung học.

6. Tóc và hoá trang

Giống như phục trang, tạo kiểu tóc và hoá trang mở rộng và kết nối tất cả các yếu tố của dàn dựng. Tóc và hoá trang có mối liên kết thân mật với diễn viên. Tóc và hoá trang còn có thể làm cho các nhân vật quen thuộc được tái sinh, xua tan những khái niệm đã được định trước về họ, làm cho họ trở nên thích hợp với thời điểm đang diễn ra. Ví dụ như nhân vật Joker trong The Dark Knight (đạo diễn Christopher Nolan). Ban đầu, nhiều người đã hoài nghi về việc tái tạo nhân vật Joker trong phim Batman mới vì đây từng là một nhân vật kinh điển do Jack Nicholson đóng trong phiên bản Batman của Tim Burton. Với một cách tiếp cận hoàn toàn khác về tóc và hoá trang, phiên bản mới của Joker đã làm người xem quên đi phiên bản đầu tiên và giúp Heath Ledger thắng một giải Oscar dành cho vai diễn này.

7. Ánh sáng

Các kỹ thuật ánh sáng mang tính chất “được nhìn thấy và không được nhìn thấy” trong dàn cảnh. Ánh sáng cần được cân nhắc sớm trong giai đoạn tiền kỳ, khi bạn bóc tách kịch bản. Một ví dụ ấn tượng về ánh sáng là các bộ phim thuộc thể loại phim đen (noir). Phong cách phim đen thường có màu sắc và đánh bóng tương phản cao, thường sử dụng kỹ thuật ánh sáng chiaroscuro. Trong phim Schindler’s List, tất cả các yếu tố ánh sáng kết hợp với nhau: Màu đen lạnh lẽo tương phản với màu trắng, ánh sáng u ám, tô đậm những điểm “được nhìn thấy và không được nhìn thấy”. Chúng cho người xem biết về chủ đề của bộ phim lịch sử này và vị trí của các nhân vật trong thế giới đó. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là phim không nhất thiết phải dùng ánh sáng quá quyết liệt để thiết lập tâm trạng, cảm xúc, chủ đề.

8. Phương tiện

Các loại phim khác nhau dẫn đến các kiểu dàn dựng khác nhau. Những bộ phim đen trắng được làm bởi film Kodak hoặc Fuji từng tạo ra những tác phẩm gây sửng sốt người xem. Ngày nay, các nhà làm phim có thể chọn film 8mm, 16mm, Super 16mm, 35mm, 65mm, vv… Nếu không quay bằng film, nhà làm phim có thể chọn phương tiện kỹ thuật số. Bạn hãy nghiên cứu về phương tiện làm phim và test chúng trước khi lựa chọn. 
 

9. Máy quay

Máy quay có chức năng phức tạp hơn là chỉ ghi lại dàn cảnh của bạn. Máy quay cũng có ảnh hưởng đến dàn cảnh. Việc lựa chọn máy quay nào là một phần thiết yếu của dàn cảnh. Lựa chọn máy quay có thể tạo ra những hình ảnh khác biệt và độc đáo cho phim. Ví dụ, nhà làm phim John Cassavetes là một người rất ghét những kỹ xảo phổ biến trong thời kỳ đầu của điện ảnh. Do vậy, ông ta đã chọn điện ảnh thực tế và diễn xuất ứng biến làm nguyên tắc dàn cảnh. Ông thường quay bằng máy Bolex 16mm và mang máy quay ra ngoài đường phố để làm phim. 

10. Vị trí máy quay

Vị trí máy quay cũng quan trọng như việc lựa chọn loại máy quay. Người xem sẽ không nghĩ đến việc bạn đặt máy quay ở đâu nếu bạn đặt máy quay ở đúng vị trí. Máy quay đặt ở đâu và nó sẽ ghi lại gì là việc bạn cần xác định trước khi bắt đầu khởi quay. Hãy lập ra một danh sách tổng hợp tất cả các cảnh quay mà bạn dự định thực hiện (shot list). 

11. Bố cục

Có những quy luật mà bố cục mà nhiều nhà làm phim sử dụng để quay phim, ví dụ như quy luật một phần ba. Bạn có thể chọn đi theo hoặc phá vỡ các quy luật này, tuỳ theo chủ ý của bạn. Cách bạn bố cục khung hình là vô cùng quan trọng vì nó có vai trò kết nối tất cả các yếu tốt dàn dựng với nhau.

Các nhân vật và hành động cần nói lên cách trình bày hình ảnh, cách bố trí các yếu tố trong đó. Bố cục tốt sẽ dẫn dắt người xem và hướng họ tập trung vào trong khung hình. Bạn có thể sáng tạo thoải mái nhưng chúng nhất định cần có chủ ý. Nếu không thì người xem sẽ thấy phim của bạn chán hoặc lộn xộn. 

12. Tốc độ khung hình

Là một nhà làm phim, bạn có thể tạo hình thế giới của bạn như một pháp sư. Thời gian có thể đứng yên, chuyển động theo một phần của tốc độ bình thường hoặc tăng tốc đến mức hình nhoè đi. Tất cả điều này đều liên quan đến tốc độ khung hình.

Bạn có thể thay đổi nhịp độ trong thế giới của bạn và những nhân vật của bạn bằng hiệu ứng chuyển động nhanh hoặc chuyển động chậm. Rất nhiều nhà làm phim đã sử dụng tốc độ cảnh để nhấn mạnh mọi yếu tố trong dàn dựng. Các bộ phim thể thao như Chariots of Fire, Raging Bull, Any Given Sunday không thể thiếu những cảnh phim người chiến thắng với hiệu ứng tốc độ chậm.

13. Hình thức

Bạn sẽ không muốn để mặc các yếu tố dàn cảnh này. Mọi bộ phim đẹp đều xứng đáng hình thức đẹp mắt, với những khung hình được tính toán công phu. Hình thức là người song sinh của bố cục. Hình thức không phải là câu hỏi ai, cái gì, ở đâu, khi nào. Hình thức là câu hỏi “như thế nào”.

Dàn dựng của bạn cần được truyền đạt như thế nào? Các yếu tố cần được hoà quyện như thế nào trong một mối quan hệ cộng sinh? Hoạt hình? Múa rối? Hoạt hình tĩnh vật? Phim do người đóng? Một sự kết hợp? Ví dụ như Wes Anderson, đạo diễn này đã kết hợp hoạt hình tĩnh vật, tiểu hoạ, và người thật đóng phim vào trong dàn dựng của bộ phim Isle of Dogs. 

14. Chiều sâu trường ảnh

Cách bạn sử dụng độ sâu trường ảnh sẽ đóng góp ý nghĩa cho dàn dựng của phim. Yếu tố này có thể được dùng kết hợp với các yếu tố khác như màu sắc hoặc ánh sáng. Bạn có thể dùng chiều sâu trường ảnh sâu, nông, hoặc điều chỉnh tiêu cự. Hãy tự hỏi bản thân về thứ tự mức độ quan trọng của những gì được thể hiện và lý do tại sao. 

15. Thiết kế âm thanh

Thiết kế âm thanh là yếu tố thường bị các nhà làm phim mới bỏ bê. Tuy nhiên, sử dụng âm thanh có thể là cách dễ nhất để nâng tầm một cảnh phim nhàm chán hoặc làm hỏng một cảnh phim tuyệt vời. Kể cả khi bạn sử dụng âm hưởng trong khung hình, ngoài khung hình, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, bạn đều cần phải nghĩ xem người xem sẽ nghe thấy gì trong dàn dựng của bạn. Âm thanh là một kỹ thuật cực kì quan trọng trong điện ảnh và có tận hai hạng mục giải Oscar cho nó. 
 

16. Âm nhạc

Âm nhạc có tầm quan trọng đặc biệt trong dàn dựng phim. Khi hỏi mọi người xung quanh về nhạc phim yêu thích của họ, bạn sẽ có thể nghe đến những cái tên như Star Wars, Indiana Jones, Jaws, 007, Dazed and Confused, Pulp Fiction, Amadeus, Bohemian Rhapsody, vv… Đấy là những bộ phim có nhạc phim thấm nhuần và phản chiếu mọi yếu tố dàn dựng khác trong phim. 

Đối với nhạc phim, âm nhạc trở thành một nhân vật trong phim. Nét chủ đạo và của âm nhạc và nhân vật có những sự tương đồng với nhau. Nhịp điệu, nhịp độ và chất liệu của dàn dựng gắn kết với âm nhạc. Nhờ lựa chọn giữa âm nhạc hoặc không có âm nhạc, bạn sẽ vẽ được bức tranh toàn cảnh hiệu quả. Âm nhạc cũng là một cách để nhà làm phim giao tiếp với khán giả. Nhà làm phim có thể báo tin và làm giàu có cảm xúc trong từng khoảnh khắc của phim. Hãy nghĩ đến các câu hỏi cái gì, khi nào, tại sao, như thế nào. 
 

17. Diễn viên

Diễn viên là một trong những yếu tốt dàn dựng thiết yếu nhất. Nhiều đạo diễn cho rằng họ có thể chiến thắng một nửa trận chiến nếu tìm được đúng diễn viên (phù hợp với nhân vật, câu chuyện, tầm nhìn tổng thể).

Năng lực và hạn chế của diễn viên có thể được khai thác trong phim. Ngoại hình và khả năng của diễn viên diễn đạt phương thức dàn dựng trong phim của bạn. 

18. Blocking

Vị trí và chuyển động của diễn viên cũng quan trọng như vị trí và chuyển động của máy quay. Blocking kết nối tất cả các yếu tố dàn dựng với diễn viên. Blocking sắp xếp hành động, tạo nên sức nặng của khoảnh khắc. Blocking tạo nên hương vị của sự kiện xảy ra, trên cả bề mặt và tầng ý nghĩa ngầm ẩn. Nơi diễn viên được sắp đặt, khi nào, làm như thế nào một diễn viên chuyển động được trong một cảnh, tất cả đều nhấn mạnh nguyên do của cảnh đó. 

Diễn viên sẽ bước một bước, gãi ngứa, đội mũ, tập thể dục, cắn một miếng bánh mì, vv… hay làm gì? Diễn viên đó thực hiện hành động này trước, sau, hay trong khi đang nói? Tại sao? Nó có thể tạo nên hiệu ứng mạnh trong một cảnh. Bạn cần đặt mình vào trong vị trí của khán giả. Hãy cân nhắc việc các diễn viên của bạn làm gì và cách khán giả sẽ hiểu hành động đó. Bạn cần chuẩn bị cẩn thận để có thể giải thích và chứng minh các lựa chọn blocking của bạn với những người cộng tác, đặc biệt là với diễn viên. 

19. Hành động ở tiền cảnh

Hành động ở tiền cảnh có thể bị lầm tưởng là các hành động có thể bị bỏ qua. Nhưng bất kì hành động nào thứ yếu cho hành động chính cũng có thể là những hành động đáng nhớ và quý giá trong dàn dựng. Ví dụ, trong phim Midsomar, đạo diễn Ari Aster sử dụng các khoảng trống rộng trong vùng hẻo lánh ở tiền cảnh để tạo thêm một lớp layer mang điềm báo và gây ra sự hồi hộp. 

Ngoài ra, bạn cần nhớ là không hành động cũng là một dạng hành động. Nếu một nhân vật không làm gì đó, không làm gì trở thành hành động của họ. Dàn dựng cần tính toán mọi hành động của tất cả các nhân vật trong mọi khoảnh khắc của phim. 

20. Hậu kỳ

Hậu kì (cụ thể là các hiệu ứng kỹ xảo) là bước dàn dựng cuối cùng để hoàn thiện phim. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ xảo cho phép các nhà làm phim có khả năng thêm nhiều yếu tố dàn dựng bằng máy tính. 

Bạn nên giảm thiểu những việc phát sinh không lường được khi thực hiện dàn dựng bằng cách bóc tách kịch bản trong giai đoạn tiền kỳ. Trong khi bóc tách kịch bản, bạn cần xác định mình sẽ hướng tới làm gì trong giai đoạn hậu kỳ. Những sửa chữa và thay đổi không lường trước được sẽ xảy ra. Hậu kỳ là bạn giải quyết những vấn đề này. Nhưng bạn cần tránh các sửa đổi lớn hết mức có thể.

(Nguồn: Studiobinder)

Bài viết liên quan

11 LỖI RẬP KHUÔN BẠN CẦN TRÁNH KHI LÀM PHIM NGẮN

Lỗi rập khuôn (cliché) là lỗi mà các nhà làm phim thường dễ mắc phải khi bị bí ý tưởng. Nhận thức và hiểu được về các lỗi rập khuôn…

Xem ngay

8 CÁCH QUẢNG BÁ PHIM NGẮN CỦA BẠN

Làm phim ngắn là con đường để nhà làm phim có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, từ đó có…

Xem ngay

3 CÁCH CHUYỂN ĐỔI GIỮA DIỄN XUẤT SÂN KHẤU VÀ PHIM

Từ giai đoạn thử vai cho đến sản phẩm cuối cùng, diễn xuất trên sân khấu và trên phim đặt ra những đòi hỏi khác nhau đối với người diễn…

Xem ngay

Leave the first comment