TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

Cách viết Outline kịch bản

Nội dung chính

Một trong những chức năng quan trọng nhất của outline (tạm dịch là “đường dây”) kịch bản là để vạch ra cốt truyện và cấu trúc của phim.


Có nhiều loại đường dây kịch bản và nhiều cách làm đường dây. Không có một công thức rõ ràng để làm đường dây kịch bản nhưng bạn có thể thử phương pháp sau đây:

1. Nhân vật 

Để lập đường dây kịch bản, bạn cần dựa trên cơ sở về nhân vật chính. Hãy nghĩ đến những mong muốn của nhân vật và những vật cản (hoặc con người) mà nhân vật chính này thu hút. Bạn cần phải xác định nhân vật chính sẽ thay đổi như thế nào xuyên suốt câu chuyện (character arc), bất kể nhân vật chính có đạt được mục đích hay không. Khi bạn muốn đưa khán giả đi theo hành trình trong phim, bạn cần phải nắm được các cảm xúc của nhân vật.

2. Cấu trúc cốt truyện

Trong phim điện ảnh và phim truyền hình, cấu trúc phổ biến nhất là cấu trúc ba hồi, bao gồm ba phần mở, thân, kết. Một công cụ có thể giúp bạn xây dựng cấu trúc cốt truyện là cuốn “Save the Cat” của Blake Snyder. Công thức của Snyder giúp bạn bóc tách cốt truyện thành tám nhịp (beat). Liệt kê nhịp (beat sheet) sẽ giúp bạn xác định được các dấu mốc quan trọng hình thành diễn biến của nhân vật trong cốt truyện. Sau đó, bạn có thể thêm các chi tiết từ khung sườn này trong đường dây kịch bản. 

Để hiểu hơn về cấu trúc 3 hồi, 8 nhịp, các bạn có thể tham khảo Khóa học biên kịch của Trung tâm TPD

3. Phát triển các nhịp thành các cảnh

Các nhịp thể hiện tổng thể cốt truyện. Số lượng cảnh bạn muốn sử dụng để thể hiện mỗi nhịp là tuỳ bạn. Bạn có thể thêm các hồi, số thứ tự cảnh và tiêu đề cảnh vào đường dây kịch bản. Hãy thử nối các nhịp với nhau bằng số lượng cảnh tối giản hết mức có thể, không nên làm khán giả bị chán vì phim trình bày quá nhiều.

4. Viết các cảnh trong đường dây kịch bản

Mỗi người sẽ có cách viết khác nhau. Một số người viết đường dây kịch bản cực kì chi tiết nhưng một số người lại chỉ dừng ở những phần tổng thể vì sợ đường dây có thể làm cho cốt truyện của họ bị cứng nhắc nếu họ viết quá chi tiết. Việc viết cụ thể đến đâu là tuỳ bạn. Nhưng nếu bạn chọn viết chi tiết, bạn cần viết ra các mô tả, đặc điểm nhân vật và cả lời thoại. Bạn không thể lên kế hoạch tất cả mọi thứ trong giai đoạn viết đường dây được. Việc viết đòi hỏi phải viết đi viết lại. 

5. Nguyên tắc vàng “never and then” (tạm dịch là “không bao giờ rồi sau đó”)

Các cảnh cần có liên kết nhân quả với nhau. Bạn có thể thử kỹ thuật của hai đạo diễn phim South Park là Trey Parker và Matt Stone. Sau khi đã viết ra tất cả các cảnh trong đường dây kịch bản, hãy thử nghĩ xem bạn sẽ giải thích các cảnh này với mọi người như thế nào. Bạn không bao giờ cần nói “rồi sau đó” giữa bất kỳ cảnh nào vì những từ này phá hỏng mạch nhân quả của cốt truyện. Các từ như “nhưng”, “do đó”, và “nên” thể hiện mối quan hệ nhân quả còn “rồi sau đó” không thể hiện được mối quan hệ nhân quả.

6. Tìm ví dụ về đường dây kịch bản mà bạn thấy phù hợp với bạn

Hãy tham khảo ba ví dụ từ các tay viết chuyên nghiệp để tìm cách của bạn: 

Đường dây kịch bản một trang:  Nếu bạn muốn viết một danh sách các cảnh thật súc tích, bạn có thể thử cách viết viết đường dây một trang mà nhà biên kịch John August đã dùng để viết phim Big Fish. Xem ví dụ trên website của John August: https://johnaugust.com/downloads_ripley/bf-original-outline.pdf

Đường dây trường đoạn: August cho biết ông đã phát triển một đường dây trường đoạn sau khi viết bản thảo kịch bản đầu tiên. Ông đã sử dụng đường dây trường đoạn để đánh giá kịch bản có cân đối về mặt thời gian giữa các thế giới trong câu chuyện của ông không. Xem ví dụ trên website của John August: https://johnaugust.com/downloads_ripley/bf-outline.pdf

Đường dây kịch bản cơ bản: Nhà biên kịch đoạt giải Oscar Tony Gilroy cho biết các đường dây của ông thường dài 30 đến 80 trang. Không có nhiều ví dụ về các đường dây dài như thế này. Tuy nhiên, bạn có thể xem ví dụ một đề cương kịch bản dài 11 trang của WikiHow tại đây: https://www.wikihow.com/images/sampledocs/5/Script-Outline.pdf

Đường dây không phải là một yêu cầu bắt buộc khi viết kịch bản. Đây là một công cụ giúp bạn chuẩn bị và lên kế hoạch trước khi viết kịch bản. Đối với một số người viết kịch bản, đây là một công cụ vô cùng hiệu quả. Đối với một số người viết kịch bản khác, đường dây làm họ viết chậm hơn và khiến câu chuyện của họ trở nên bị cứng nhắc, dễ đoán. Bạn có thể thử các kiểu viết đường dây khác nhau và tìm cách phù hợp, tiện lợi nhất đối với nhu cầu của bạn. 

Nguồn: Studiobinder

Bài viết liên quan

11 LỖI RẬP KHUÔN BẠN CẦN TRÁNH KHI LÀM PHIM NGẮN

Lỗi rập khuôn (cliché) là lỗi mà các nhà làm phim thường dễ mắc phải khi bị bí ý tưởng. Nhận thức và hiểu được về các lỗi rập khuôn…

Xem ngay

8 CÁCH QUẢNG BÁ PHIM NGẮN CỦA BẠN

Làm phim ngắn là con đường để nhà làm phim có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, từ đó có…

Xem ngay

3 CÁCH CHUYỂN ĐỔI GIỮA DIỄN XUẤT SÂN KHẤU VÀ PHIM

Từ giai đoạn thử vai cho đến sản phẩm cuối cùng, diễn xuất trên sân khấu và trên phim đặt ra những đòi hỏi khác nhau đối với người diễn…

Xem ngay

Leave the first comment