TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

PHIM NOIR LÀ GÌ?

Nội dung chính

Phim noir thực ra là gì? Đó là một phong cách hay một thể loại? Những người hâm mộ điện ảnh và người làm điện ảnh chuyên nghiệp lại có những cách định nghĩa khác nhau về phim noir.

Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên tại Pháp sau chiến tranh thế giới thứ 2 để miêu tả các bộ phim giật gân, ly kỳ và phim trinh thám của Mỹ trong thập kỷ 40 và 50 và được đưa ra bởi nhà phê bình phim người Pháp Nino Frank vào năm 1946. Frank sử dụng thuật ngữ Noir (đen) để miêu tả các phim Hollywood thấm đẫm bóng tối và sự bi quan được sản xuất bởi các xưởng phim Hollywood.

Khó mà xác định được rằng phim noir là một thể loại (Genre) hay một phong cách (Style). Hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của Phim noir.

Phim noir xuất hiện trong một giai đoạn bi thương của lịch sử. Sự cay đắng và bi quan từ thời kỳ Đại khủng hoảng đã hằn sau vào trong tâm trí người Mỹ. Ngay sau đó là chiến tranh thế giới thứ 2, rất nhiều người đàn ông đã phải ra chiến trường còn phụ nữ phải đi làm kiếm tiền. Sau chiến tranh, đàn ông trở về với những sang chấn, thế giới dường như mất đi sự hồn nhiên.

Vai trò của phụ nữ đã thay đổi đáng kể, từ vai trò nội trợ nay đã trở thành những người công nhân. Phản ứng với sự thay đổi này, phim noir kể những câu chuyện về đàn ông bị lợi dụng bởi những người phụ nữ đầy sức mạnh và đôi khi là những người phụ nữ xấu xa. Tuy nhiên, đây chỉ là một lý thuyết lý giải về sự hình thành của phim noir vào thời kỳ sau chiến tranh.

Nhiều bộ phim noir nổi tiếng mà Hollywood đã sản xuất vào những năm thập kỷ 1940 được làm dựa trên các tiểu thuyết trinh thám được ưa chuộng thời thập kỷ 1930. Trong đó, Raymond Chandler là một tác giả tiểu thuyết nổi bật nhất. Nếu theo giả thiết này, chiến tranh thế giới thứ 2 không liên quan đến nguồn gốc chất liệu phim noir mà liên quan đến lý do tại sao những phim này trở nên được ưa chuộng.

Các nhà làm phim noir thời kỳ này đã phải bứt khỏi một số nguyên tắc cơ bản trong làm phim như thường xuyên sử dụng bố cục bất đối xứng để tạo hiệu ứng hình ảnh thông qua sự bất ổn định, thay vì bố cục thăng bằng. Do đó, các yếu tố trong cả tiền cảnh và hậu cảnh đều sinh động, sắc nét, và quan trọng ngang nhau. Phim không sử dụng hiệu ứng làm mờ phông hoặc lấy nét chọn lọc.

Mặc dù các bộ phim truyền thống thường hướng tới sự rõ ràng và chân thực, phim noir lại sử dụng các hình bóng phản chiếu và các cú máy khác thường để tạo ra cảm giác về sự căng thẳng và không thực. Thay vì sử dụng các chuyển động máy quay ngang tầm mắt trong đa số các bộ phim trước đây, phim noir thường quay từ các góc độ rất thấp hoặc rất cao và thậm chí còn có thể thay đổi tiêu cự ống kính để làm biến dạng thêm hình ảnh trong cảnh phim.

Các cú máy cận được sử dụng để tăng cường hiệu quả các cảnh giàu cảm xúc. Tuy nhiên, các cảnh này không phải là cú máy cận thông thường. Trong phim noir, máy quay phải di chuyển vào đủ gần để làm chủ màn ảnh chỉ bằng gương mặt của nhân vật, nhấn mạnh những thể hiện cảm xúc cực đoan trên gương mặt nhân vật. Đôi khi, chỉ hiển thị riêng đôi môi hoặc đôi mắt của nhân vật.

Các chủ đề và phong cách trong phim noir thường bi quan. Lấy cảm hứng từ những cốt truyện trong các tiểu thuyết tội phạm hư cấu, những yếu tố đặc trưng tạo nên không khí u ám trong phim noir gồm có: Sự nghi ngờ, nỗi sợ hãi, sự ảm đạm, tội lỗi, bất hạnh, giễu cợt, bị vu khống, chứng hoang tưởng ám ảnh, tính dục, điềm xấu, bất an, mất mát, vỡ mộng. Phong cách hình ảnh và ánh sáng thiếu sáng (low key) được dùng để thể hiện những cảm xúc này và tạo nên những cú máy vô cùng nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh.

Nhân vật chính diện phản anh hùng trong phim noir là người nhân cách hoá những sự xấu xa trong xã hội với nhiều lớp lang bất công và vô đạo đức. Phim thường rất hiếm khi có kết thúc vui vẻ hoặc lạc quan.

Trái ngược với nhân vật chính diện phản anh hùng, các nhân vật phụ nữ trong phim noir thường mang các hình mẫu tận tuỵ, đáng tin, giàu tình yêu thương hoặc là những mỹ nhân nguy hiểm (femme fatales) có tính cách ghê gớm, giả tạo, hai mặt, hấp dẫn, sắc sảo, ngọt ngào và cứng rắn, không đáng tin, thất thường, xảo quyết. Các nhân vật trong phim gặp phải những tình huống khốc liệt vì những lý do vượt ngoài tầm kiếm soát của họ. Đa số phim noir lấy bối cảnh ở New York hoặc Los Angeles. Thành phố được thể hiện là một vỏ bọc hào nhoáng của phía bên dưới đen tối.

Nhìn chung, phim noir có các yếu tố đặc trưng sau:
Mỹ nhân nguy hiểm.
Các nhân vật chính diện phản anh hùng và nhân vật phản diện là thám tử, cảnh sát, gangster, sói cô độc, kẻ bị rối loạn nhân cách, kẻ bịp bợm, cựu chiến binh, tội phạm vặt, kẻ giết người, chính trị gia.
Lời thoại nhanh và ngắn gọn.
Ảo tưởng tan vỡ sau chiến tranh.

(Nguồn: Tổng hợp)

Bài viết liên quan

11 LỖI RẬP KHUÔN BẠN CẦN TRÁNH KHI LÀM PHIM NGẮN

Lỗi rập khuôn (cliché) là lỗi mà các nhà làm phim thường dễ mắc phải khi bị bí ý tưởng. Nhận thức và hiểu được về các lỗi rập khuôn…

Xem ngay

8 CÁCH QUẢNG BÁ PHIM NGẮN CỦA BẠN

Làm phim ngắn là con đường để nhà làm phim có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, từ đó có…

Xem ngay

3 CÁCH CHUYỂN ĐỔI GIỮA DIỄN XUẤT SÂN KHẤU VÀ PHIM

Từ giai đoạn thử vai cho đến sản phẩm cuối cùng, diễn xuất trên sân khấu và trên phim đặt ra những đòi hỏi khác nhau đối với người diễn…

Xem ngay

Leave the first comment