Để viết một kịch bản ấn tượng, bạn cần vận dụng rất nhiều thủ pháp văn học. Một trong những thủ pháp đó là sự trớ trêu kịch tính (dramatic irony).
Dramatic Irony (tạm dịch Trớ trêu kịch tính) là gì?
Đây là một dạng thủ pháp trớ trêu được các cây viết dùng để gieo yếu tố căng thẳng, hồi hộp trong một câu chuyện, bao gồm các sự kiện, tình huống kịch tính xảy ra mà nhân vật trong câu chuyện không biết nhưng khán giả lại biết.
Ví dụ: Trong phim kinh dị Halloween, một người phụ nữ không biết gì về kẻ giết người đột nhập vào nhà và sát hại cô trong phòng bếp. Tuy nhiên, khán giả lại được thấy kẻ giết người lén đột nhập vào nhà và nguy hiểm đang sắp xảy ra với nhân vật.
Trớ trêu kịch tính là một dạng thủ pháp trớ trêu (irony), kỹ thuật viết sử dụng một sự kiện đi ngược lại với điều được kỳ vọng sẽ xảy ra trong câu chuyện. Có ba dạng trớ trêu là: Trớ trêu kịch tính, trớ trêu bằng lời nói (verbal irony), trớ trêu tình huống (situational irony). Các cây viết thường vận dụng công cụ này để thêm sự sinh động cho câu chuyện với sự hài hước hoặc căng thẳng.
Nhiều thể loại phim ứng dụng trớ trêu kịch tính vì thủ pháp này có tính linh hoạt cao. Một số thể loại phim thường sử dụng trớ trêu kịch tính bao gồm: Hài, kinh dị, ly kỳ, giật gân, chính kịch.
Để hiểu hơn về trớ trêu kịch tính, sau đây là một số ví dụ trong các bộ phim nổi tiếng:
The Truman Show: Mặc dù Truman là ngôi sao của chương trình truyền hình, anh ta không nhận ra điều đó. Ngược lại, khán giá biết sự thật.
Jaws: Tác phẩm kinh dị / hồi hộp của đạo diễn Steven Spielberg này dày đặc yếu tố trớ trêu kịch tính. Con cá mập khổng lồ bất ngờ tấn công những người đi tắm biển. Sự xuất hiện của nó được tiết lộ cho khán giả nhưng các nhân vật trong phim không nhận điều này. Kết quả là trớ trêu kịch tính đã xây dựng được sự hồi hộp đến mức ghê rợn, thảm khốc trong phim. Tất nhiên, lời cảnh báo của khán giả không đến được tai của các nhân vật trong phim.
The Lion King: Con trai Simba của Mufasa trốn vào Savannah hoang dã, tự đổ lỗi cho bản thân mình vì cái chết của người cha. Tuy nhiên, sự thật là tên Scar gian ác mới chính là kẻ gây ra cái chết cho Mufasa.
Breaking Bad: Hank Schrader đi tìm kẻ buôn ma tuý “Heisenberg” nhưng không hề biết rằng “Heisenberg” chính là anh vợ của Schrader. Tuy nhiên, sự thật này lại được thể hiện cho khán giả biết.
Tham khảo:
Làm thế nào để ứng dụng trớ trêu kịch tính trong kịch bản?
1. Tạo hài hước
Đôi khi, những sự hiểu nhầm có thể dẫn đến gây cười. Trớ trêu kịch tính là một cách tuyệt vời để tạo ra những tình tiết hiểu nhầm và làm câu chuyện của bạn trở nên thú vị.
2. Gieo căng thẳng
Trớ trêu kịch tính tiết lộ sự thật cho khán giả trước. Do đó, bạn sẽ có cơ hội để lôi kéo khán giả vào cảnh phim. Ngoài ra, bạn có thể xây dựng sự căng thẳng, hồi hộp trong quá trình nhân vật của bạn phát hiện ra sự thật này.
Để ứng dụng được trớ trêu kịch tính, bạn sẽ còn cần biết một dạng trớ trêu kịch tính: Trớ trêu bi kịch (tragic irony). Đây là trớ trêu kịch tính mà khán giả biết rằng một bi kịch sẽ xảy ra với nhân vật trong câu chuyện vì hành động hoặc lời nói của nhân vật này. Tuy nhiên, nhân vật lại không biết về tai ương sắp xảy ra.
Ví dụ: Trong bi kịch Romeo và Juliet, cả Romeo và Juliet đều tưởng rằng người kia đã chết và tự vẫn. Trong khi đó, khán giả biết sự thật. Đây là một ví dụ kinh điển của trớ trêu bi kịch.
Nếu bạn muốn sử dụng trớ trêu kịch tính, bạn cần phải đi theo cấu trúc của công cụ này để đạt được hiệu ứng hài hước hoặc căng thẳng. Trớ trêu kịch tính diễn ra theo ba giai đoạn trong câu chuyện:
– Chuẩn bị (preparation): Ở giai đoạn này, khán giả nhận được các thông tin mà nhân vật trong câu chuyện không biết.
– Tạm ngưng (suspension): Khoảng thời gian nhân vật tìm hiểu, biết được sự thật.
– Giải quyết (resolution): Hậu quả sau khi nhân vật biết sự thật.
Là một người viết kịch bản, nếu bạn muốn thêm các yếu tố căng thẳng hoặc hài hước trong câu chuyện, bạn có thể chọn dùng trớ trêu kịch tính. Thủ pháp này sẽ giúp lôi cuốn khán giả vào cảnh phim và tạo ra một bộ phim đặc sắc.
Một số mẹo tạo ra trớ trêu kịch tính trong kịch bản
– Bạn có thể tạo ra một cấu trúc phức tạp bao gồm nhiều nhân vật. Ngoài ra, mỗi nhân vật cần có những thông tin độc đáo. Nhờ đó, khán giả sẽ có thể suy luận về câu chuyện dựa trên thông tin của mỗi nhân vật trong câu chuyện. Hãy để khán giả biết nhiều hơn nhân vật chính. Rồi sau đó, hãy tạo ra yếu tố ly kỳ trong câu chuyện trong quá trình nhân vật nhận ra sự thật.
– Chọn một điểm nhìn khác, ví dụ kể chuyện từ điểm nhìn của nhân vật phản diện.
– Bạn có thể cài các bước ngoặt trong câu chuyện xoay quanh những tuyên bố được lặp lại để gia tăng hiệu ứng trớ trêu kịch tính.
(Nguồn: NFI)
Tham khảo: