Kịch bản hình vẽ (storyboard) là một bước quan trọng trong quá trình tiền kỳ, nằm giữa việc lên ý tưởng và hình thành phim. Storyboard bao gồm chuỗi hình ảnh mô tả ý đồ thể hiện bối cảnh, tạo hình nhân vật, góc máy… dựa trên kịch bản phim.
Bạn hoàn toàn có thể phác thảo storyboard bằng vẽ tay hoặc phần mềm tùy phong cách hoặc kinh phí sản xuất. Kết quả cuối cùng của quá trình thực hiện storyboard là một sản phẩm giống một cuốn truyện tranh hoặc tiểu thuyết hình ảnh. Điểm mấu chốt là bạn sẽ cần chuyển đổi các ý tưởng từ từ ngữ sang hình ảnh. Mỗi hình ảnh trên storyboard cần có đủ những thông tin cần thiết mà ai đó chưa từng đọc kịch bản vẫn có thể hiểu được câu chuyện khi xem storyboard.
Mục đích của quá trình làm storyboard là để đảm bảo bạn sẽ có cái nhìn bao quát và quay đủ các cảnh cần thiết khi lên set cũng như cho việc dựng phim sau này. Bạn sẽ tránh được việc bị tốn kém, mất thời gian và tiền bạc vào những cảnh quay và những hiệu ứng đặc biệt không cần thiết. Ngoài ra, storyboard còn đặc biệt hữu dụng khi phải quay các trường đoạn hành động phức tạp.
Để làm storyboard, bạn thực hiện 4 bước đơn giản sau đây:
1. Làm danh sách tổng hợp tất cả các cảnh quay (shot list).
2. Vẽ phác thảo:
Hãy nghĩ đến tầm nhìn của bạn cho các cảnh quay và phác thảo chúng trong các ô của storyboard, giống như vẽ truyện tranh. Nếu như bạn vẽ không giỏi thì bạn có thể vẽ các hình khối / hình que đơn giản. Hoặc, bạn có thể tìm một hoạ sĩ vẽ storyboard để hỗ trợ bạn đạt được kết quả mong muốn.
3. Điền thông tin chi tiết:
Storyboard cần có những yếu tố quan trọng nhất của một cảnh. Mặc dù các phác thảo trên storyboard là ảnh tĩnh, kết quả cuối cùng bạn cần là hình ảnh động đi theo xuyên suốt câu chuyện trong kịch bản. Ví dụ, bạn có thể chỉ ra hướng một người đang đi bằng mũi tên. Bạn cũng có thể sẽ cần liệt kê tất cả các đạo cụ xuất hiện khi quay, góc quay, và khung hình của mỗi cú máy. Hãy liệt kê một sườn chung của tất cả những thông tin cần thiết cho mỗi cú máy và tránh đi sâu vào những chi tiết gây mất tập trung.
4. Thêm từ ngữ:
Sau khi đã phác thảo xong hình ảnh, bạn có thể thêm các từ ngữ chú thích cần thiết phía dưới hình ảnh để làm rõ hơn ngữ cảnh sự việc xảy ra. Bạn có thể thêm bất cứ thứ gì bạn không thể hiện được bằng vẽ, ví dụ như bất kì đường tiếng nào mà bạn sẽ sử dụng trong cảnh đó.
(Nguồn: Masterclass)