Chủ nghĩa hiện thực là một dòng điện ảnh được nhiều người gọi là “lát cắt cuộc sống” và bắt nguồn từ phong trào chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật, cũng như chủ nghĩa hiện thực trong triết học. Hiểu theo cách đơn giản nhất, chủ nghĩa hiện thực là một sự phản chiếu của thế giới xung quanh chúng ta, khởi đầu từ thế kỷ 19 tại Pháp. Vào lúc đó, hội hoạ được coi là phương tiện ưu việt dành cho chủ nghĩa hiện thực.
Chủ nghĩa hiện thực được dùng trong phim để tạo ra các câu chuyện gần gũi, có khả năng kết nối khán giả. Một số phong trào chủ nghĩa hiện thực trong điện ảnh gồm có: Tân hiện thực Ý (Italian Neorealism), điện ảnh thực tế (Cinema Verite).
Chủ nghĩa hiện thực miêu tả cuộc sống giống như chúng ta thấy trong đời thực, dựa trên tính hiện thực trong cả trần thuật và hình ảnh, khác với các phim bom tấn Hollywood.
Quay phim ngay tại địa điểm có sẵn là một trong những đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa hiện thực. Nhà làm phim người Pháp Jean Renoir thường được coi là ông tổ của chủ nghĩa hiện thực trong điện ảnh, mặc dù đa số các phim của ông được quay trên bối cảnh. Hai bộ phim La Grande Illusion và The Rules of the Game của Jean Renoir được coi là khởi nguồn chính của phong trào hiện thực trong điện ảnh.
Chiến tranh thế giới thứ II đã khiến các nhà làm phim trên khắp thế giới đi ra ngoài đường phố để làm phim, thay vì các studio. Một số bộ phim từ thời kì này như Rome, Open City của Roberto Rossellini đã sinh ra trong phong trào điện ảnh Tân hiện thực Ý. Các nhà làm phim khác cũng góp phần làm nên trào lưu này còn có Vittorio De Sica, Luchino Visconti, và Giuseppe De Santis. Nhiều đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực trong điện ảnh như diễn viên nghiệp dư, sản xuất kinh phí thấp, và tự sự dựa trên các sự kiện đương thời bắt nguồn từ Tân hiện thực Ý.
Đến cuối thập niên 1950, chủ nghĩa hiện thực trong điện ảnh đã lan ra các khu vực khác trên thế giới, ví dụ như Apu Trilogy của Satyajit Ray (Ấn Độ) và The 400 Blows của Francois Truffaut (Pháp). Các bộ phim này có cấu trúc giống các phim Tân hiện thực Ý, với bối cảnh thực tế, nhân vật gần gũi, câu chuyện phản ánh đúng đời sống.
- Để tìm hiểu thêm về cách phân tích, viết về phim, tìm hiểu lịch sử điện ảnh một cách có hệ thống, bạn có thể tham khảo Lớp phân tích phim – Film Studies của trung tâm TPD.
Trong thập niên 1990, chủ nghĩa hiện thực là một phần quan trọng của điện ảnh độc lập. Ví dụ: Bộ phim Before Sunrise (1995) của Richard Linklater được coi là một trong những bộ phim hay nhất của thập niên 1990. Before Sunrise đã đưa phong cách “walk and talk – đi và trò chuyện” trở nên nổi tiếng. Đây là một phong cách điện ảnh tái hiện những cuộc hội thoại dài dòng và rối rắm như những cuộc hội thoại tự nhiên trong đời thực.
Có nhiều dạng chủ nghĩa hiện thực khác nhau trong phim và phương tiện truyền thông. Thực tế, chủ nghĩa hiện thực là một thuật ngữ mà những người thực hành chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật, xã hội, triết học tin là đúng.
Chủ nghĩa hiện thực cổ điển
Chủ nghĩa hiện thực cổ điển là chủ nghĩa hiện thực với một bước ngoặt cổ điển. Dạng chủ nghĩa hiện thực này được đặt ra vào thế kỷ 20 bởi nghệ sĩ Richard Lack. Đây là một hình thức nghệ thuật kết hợp phong cách nghệ thuật cổ điển phương Tây với các chủ thể đương thời được miêu tả giống như ngoài đời thực.
Chủ nghĩa hiện thực trong văn học và hội hoạ
Vào đầu thế kỷ 19, các nghệ sĩ từ trên khắp thế giới từ bỏ Thời kỳ Khai Sáng hàn lâm mà chuyển sang lãng mạn hoá các tác phẩm. Giai đoạn này được gọi là phong trào lãng mạn (1800 – 1850). Nhưng đến 1850, nghệ thuật lại chuyển hướng ngược lại theo hướng hàn lâm. Từ đó, chủ nghĩa hiện thực trong văn học và hội hoạ đã ra đời. Giống như các dạng chủ nghĩa hiện thực khác, chủ nghĩa hiện thực trong văn học và hội hoạ sáng tác với mục đích tạo ra các tác phẩm chân thực. Tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của nhà văn Mark Twain là một trong những tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực tiêu biểu nhất mọi thời đại.
Chủ nghĩa hiện thực trong sân khấu
Trong sân khấu, các nghệ sĩ sân khấu sử dụng nhiều dạng chủ nghĩa hiện thực, ví dụ như chủ nghĩa tự nhiên, hiện thực xã hội chủ nghĩa, và chủ nghĩa hiện thực tâm lý. Một số kịch gia sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực bao gồm Leo Tolstoy và Anton Chekhov.
Chủ nghĩa siêu hiện thực trong điện ảnh
Đa số người thực hành cho rằng chủ nghĩa siêu hiện thực “trên cả ảnh hiện thực”. Ảnh hiện thực (photorealism) là sự tái tạo một hình ảnh thông qua phương tiện khác (ví dụ như nhiếp ảnh hoặc hội hoạ). Chủ nghĩa siêu hiện thực là sự tái tạo “trên cả giống thực” của một hình ảnh thông qua phương tiện khác, bao gồm điện ảnh. Bộ phim Birdman (2014) là ví dụ về chủ nghĩa siêu hiện thực trong điện ảnh. Bộ phim này có rất nhiều yếu tố siêu thực.
Chủ nghĩa hiện thực tâm lý trong điện ảnh
Chủ nghĩa hiện thực tâm lý trong điện ảnh khác với các dạng chủ nghĩa hiện thực trong điện ảnh khác. Dạng chủ nghĩa hiện thực này đặt yếu tố hiện thực trong đầu nhân vật. Hiện thực không được tái tạo thông qua một thế giới bên ngoài trong phim mà thông qua những gì nhân vật coi là có thật. Trong văn học, các tác phẩm như Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov, Hồi ký viết dưới hầm của nhà văn Fyodor Dostoevsky là các tác phẩm văn học chủ nghĩa hiện thực tâm lý được biết đến rộng rãi. Trong điện ảnh, bộ phim Shutter Island của đạo diễn Martin Scorsese được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dennis Lehane là một ví dụ tiêu biểu.
(Nguồn: Studiobinder)