Trong một kịch bản, thực ra không có thoại dở, thoại thừa hay thoại trống rỗng, chỉ có những câu thoại đặt không đúng chỗ.
– Thoại phải được rút ra ra từ cuộc sống: Đây là cách chống làm văn trong thoại. Những lời thoại để đọc khác với thoại để nghe, thoại trong văn là thoại của văn viết, người ta chấp nhận những lời thoại văn vẻ. Thoại trong điện ảnh là thoại của văn nói, nó không rút ra từ văn học mà được rút ra từ cuộc sống. Nó cần sự thô mộc chân chất của cuộc sống.
Kiệm lời:
Không nên biến nhân vật thành những kẻ lắm lời, ngoại trừ muốn xây dựng nhân vật là kẻ lắm lời. Thoại của nhân vật phải có xu hướng rút gọn nhất trong khả năng có thể. Kiệm lời cho nhân vật cũng là để tạo ra sự chân thực cho nhân vật, tạo tính cách nhân vật nhanh gọn nhất.
Không nên lặp lại:
Để cho thoại nhân vật lặp lại là một điều tối kị, kể cả lặp lại ý lẫn lặp lại hình. Thoại lặp lại làm kìm hãm sự phát triển câu chuyện, gây cho khán giả cảm giác thừa thãi, ngoại trừ một vài từ hoặc câu được lặp lại có chủ ý để gia tăng cá tính nhân vật.
Tránh sử dụng thoại trống rỗng:
Tất cả những lời thoại không góp phần đẩy câu chuyện tiến lên và tham gia xây dựng tính cách nhân vật đều bị coi là vô nghĩa, trống rỗng. Ví dụ: Những lời thoại có tính giao đãi, diễn thuyết dài dòng, tâm sự kể lể thiên về giải thích.
(Trích từ cuốn Để trở thành nhà biên kịch phim truyện của Nguyễn Quang Lập)