“Bức tường thứ 4” là một bức tường tưởng tượng phân tách câu chuyện với thế giới thật. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ nghệ thuật sân khấu. Trong đó, sân khấu được bao quanh bởi ba bức tường (phía sau và hai bên cánh), còn một “bức tường thứ 4” vô hình được để lộ trước mặt khán giả.
Còn trong điện ảnh, bức tường thứ 4 chính là màn ảnh mà chúng ta vẫn thường xem. Chúng ta coi bức tường này như một tấm gương một chiều. Khán giả có thể thấy và hiểu được câu chuyện, nhưng câu chuyện không thể biết gì về sự tồn tại của khán giả.
Nếu bạn phá vỡ bức tường này thì bạn sẽ phá vỡ hiệp ước trên. Đây chính là “phá vỡ bức tường thứ 4”, câu chuyện trở nên tự có ý thức về chính bản thân nó, nhân vật giao tiếp với khán giả (thông qua hướng nhìn, lời thoại, hành động…)
Nếu không tính toán kĩ lưỡng, việc sử dụng phá vỡ bức tường thứ 4 một cách vụng về có thể làm người xem khó chịu, kéo họ ra ngoài câu chuyện. Nếu bạn làm đúng, bạn có thể kết nối với khán giả và nâng tầm tác phẩm. Bạn có thể xây dựng niềm tin, thể hiện sự hài hước, hoặc đưa khán giả vào bên trong suy nghĩ của nhân vật. Nói một cách khác, phá vỡ bức tường thứ 4 có khả năng truyền tải những thông tin quan trọng và khơi gợi cảm xúc sâu sắc bên trong người xem.
- Tham khảo KHÓA BIÊN KỊCH ĐIỆN ẢNH
- Tham khảo KHÓA HỌC LÀM PHIM CƠ BẢN
Ví dụ: Trong phim Deadpool (2016), nhân vật Deadpool đã thể hiện khả năng phá vỡ bức tường thứ 4 và nói chuyện với khán giả. Mặc dù trước đó có không ít tác phẩm đã sử dụng phương thức trần thuật này nhưng Deadpool đã trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng nhất gần đây, đưa kể chuyện lên một tầm cao mới và biến nó thành phổ biến trên các phương tiện truyền thông khác. Một số tác phẩm nổi tiếng khác như Pierrot le fou (1965), Amélie (2001), Annie Hall (1977), The 400 Blows (1959), American Psycho (2000)…
(Nguồn: Studiobinder)