Có thể bạn đã quen thuộc với câu chuyện về Bruce Wayne (Batman). Anh ta sống ở thành phố Gotham, bảo vệ công lý, ngăn chặn những tên phản diện điên khùng và dành rất nhiều thời gian dưới căn hầm với loài dơi. Nhưng bạn có biết là bố mẹ của anh ta đã qua đời không? Đó chính là một câu chuyện sườn (backstory). Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn hiểu câu chuyện của nhân vật trong hiện tại nhưng vẫn còn có những yếu tố khác không được thể hiện ở bề ngoài, mà được ẩn chứa đằng sau.
Câu chuyện sườn là những sự kiện đã diễn ra trước câu chuyện chính. Các sự kiện này có thể được nhắc tới / ám chỉ bởi các nhân vật, hoặc được thể hiện bằng hồi tưởng. Câu chuyện sườn của một nhân vật thường được sử dụng để đưa ra một vài thông tin nhanh hoặc để tiết lộ điều gì đó về nhân vật.
Các đặc điểm của câu chuyện sườn gồm có:
– Tiểu sử đầy đủ của nhân vật
– Những tiết lộ gây bất ngờ có mối liên quan mật thiết đến câu chuyện trong hiện tại
– Những trang trí bối cảnh nhằm xây dựng thế giới xung quanh các nhân vật
Nhờ có câu chuyện sườn, bạn có thể phát triển các nhân vật một cách đa chiều và làm cho khán giả dễ dàng đồng cảm hơn với nhân vật. Câu chuyện sườn của Bruce Wayne là một ví dụ thành công điển hình. Nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của Batman, được thể hiện mà không cần phải kể lể dông dài. Người xem có thể cảm nhận được rằng quá khứ của Bruce làm cho anh ta trở thành người sống ẩn dật, ít nói, mang theo mình những nỗi đau không dễ dàng nói ra.
- Tham khảo: Lớp Biên kịch điện ảnh của Trung tâm TPD
Sau đây là một số cách bạn có thể ứng dụng câu chuyện sườn trong kịch bản:
1. Xây dựng thế giới trong phim
Đây là dạng câu chuyện sườn xoay quanh bối cảnh, tạo ra những chi tiết của thế giới trong phim, qua đó còn giúp nhà biên kịch phát triển nhân vật.
Ví dụ: Trong loạt phim Star Wars, khán giả biết về cha của Luke Skywalker từ nhân vật Obi Wan và quá khứ bi thương của anh ta (Anakin Skywalker).
Trong phim The Social Network, cuộc hội thoại giữa hai nhân vật trong cảnh mở đầu phim cho khán giả biết những thông tin về thế giới của nhân vật.
2. Trình bày / Diễn giải
Câu chuyện sườn có thể xuất hiện dưới hình thức trình bày. Tuy nhiên, bạn phải thể hiện một cách khéo léo.
Ví dụ: Star Wars: A New Hope thể hiện một phần backstory của phim trong đoạn chữ chạy mở đầu. Tuy đây là một ví dụ kinh điển nhưng đa số phim không sử dụng cách thể hiện này.
Trong The Shining, đạo diễn Stanley Kubrick giới thiệu câu chuyện sườn ngay từ đầu phim bằng cách đặt các nhân vật trong một tình huống cần sự trình bày, thông qua cuộc phỏng vấn Jack cho vị trí nhân viên trông nom khách sạn Overlook.
Trong phim Back to the Future, Marty tìm thấy Doc vào năm 1955. Anh ta phải giải thích tình thế của anh ta cũng như chứng minh anh ta đến từ tương lai bằng cách kể lại một số sự kiện và thông tin cụ thể.
3. Hồi tưởng
Đây là một cách rất phổ biến để thể hiện câu chuyện sườn. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ về hồi tưởng được sử dụng nhằm thể hiện backstory trong phim, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử và văn học.
Ví dụ: Một số phim kể toàn bộ câu chuyện của phim bằng các hồi tưởng. Citizen Kane và Rashomon là hai ví dụ kinh điển trong điện ảnh.
Các phim khác sử dụng hồi tưởng một cách có tiết chế. Ví dụ như cảnh hồi tưởng về quá khứ của Bruce Wayne trong phim Batman Forever. Cảnh này giải thích cho khán giả tại sao Bruce Wayne lại trở thành Batman và chọn con dơi làm biểu tượng của anh ta.
(Nguồn: Studiobinder)
- Tham khảo: Lớp Biên kịch điện ảnh của Trung tâm TPD